Năm 2022: Vietcombank kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nợ xấu thấp
Tín dụng tăng 19%, nợ xấu 0,67%
Thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sáng 9/1/2023, Lãnh đạo Vietcombank cho biết: Năm 2022: ngân hàng đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao kỷ lục 465%.
Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) |
Trong năm 2022, tình hình huy động vốn thị trường I đạt ~1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (KKH) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021. Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 10,4%; Huy động vốn bán lẻ tăng trưởng ở mức 8,0% so với năm 2021.
Tín dụng tăng trưởng vượt mốc ~1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.
Ngân hàng Ngoại thương còn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng khi dư nợ nhóm 2 là 3.289 tỷ đồng, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,29%, giảm 0,08 điểm % so với 2021 (0,36%). Dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (~465%).
Bên cạnh đó, chỉ tiêu doanh số tăng trưởng ấn tượng khi doanh số thanh toán quốc tế đạt ~135 tỷ USD, tăng 31,8% so với 2021. Thị phần đạt mức ~18,5%, tăng 3,11 điểm % so với năm 2021. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt ~73 tỷ USD, tăng 20,4% so với 2021. Các chỉ tiêu doanh số thẻ, bảo hiểm, phát triển khách hàng bán buôn-bán lẻ đều đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng từ mức 37% đến 100%.
Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Vietcombank đạt và vượt các chỉ tiêu |
VCB tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuter.
09 công ty con của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam còn hoạt động hiệu quả với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 976 tỷ đồng; trong đó, 05/9 công ty hoàn thành trên 100%.
Với phương châm hành động “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững” và gắn chặt với quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo” để triển khai 03 “trọng tâm”, 06 “đột phá” kinh doanh trong năm 2022, VCB luôn đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam, tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để tối đa hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng trưởng luôn được kiểm soát theo mức trần Ngân hàng nhà nước giao.
Dư nợ tín dụng đã dịch chuyển theo định hướng, khách hàng, ngành hàng; Mở rộng ngành hàng cho vay theo chuỗi.
Đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình cho vay lãi suất cạnh tranh gắn với phát triển sử dụng các sản phẩm dịch vụ đi kèm và triển khai Kế hoạch hành động chuyển đổi; Thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng; tự động hóa và tối ưu hóa vận hành.
Năm 2023, kiên định thực hiện 3 trụ cột “Bán lẻ - Dịch vụ - Đầu tư”
Kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát. Thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung.
Với bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 đan xen giữa thách thức và cơ hội. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ sự ổn định của khu vực FDI, đầu tư công mở rộng. Tuy nhiên, thách thức đối với nền kinh tế do biến động của thị trường bất động sản, lạm phát tiềm ẩn, lãi suất còn ở mức cao. Trước viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2023, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.
Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và Chỉ thị 01 của Ngân hàng nhà nước, kết nối với mục tiêu chiến lược phát triển VCB và quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Quyết liệt – Sáng tạo” triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Vietcombank.
Năm 2023, ngân hàng kiên định thực hiện 3 trụ cột “Bán lẻ - Dịch vụ - Đầu tư” |
Một số giải pháp chủ đạo được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đưa ra như kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng theo trầntín dụngcủa Ngân hàng nhà nước và thực hiện cơ cấu danh mục, điều hành công tác huy động vốn linh hoạt và hiệu quả, tăng cường công tác quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng và công tác phát triển sản phẩm và dịch vụ, tiếp tục kiên định thực hiện 03 trụ cột “Bán lẻ - Dịch vụ - Đầu tư” để từng bước hoàn thành 06 đột phá chiến lược và 03 trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hành động chuyển đổi số, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, khắc phục kết luận thanh kiểm tra, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2022 Vietcombank tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Top 10 ngân hàng thương mại uy tín và thuộc Top 10 Công ty đại chúng uy tín, hiệu quả. Vietcombank hiện là ngân hàng đầu tại Việt Nam có tổng tài sản xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng và giá trị vốn hóa cao nhất trong các tổ chức tín dụng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện Vietcombank có gần 22.000 nhân viên với mạng lưới hoạt động rộng khắp lãnh thổ Việt Nam gồm trụ sở chính tại Hà Nội và trên 600 chi nhánh, Phòng giao dịch trên phạm vi cả nước. |