Thứ năm 21/11/2024 23:48

Năm 2022, ngành bao bì đón tiềm năng tăng trưởng

Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn. Nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, xu hướng ngành này năm 2022 sẽ chuyển về bao bì giấy, nhất là ngành thực phẩm.

Bức tranh nhiều màu sắc

Trong kết quả khảo sát của Vietnam Report mới đây về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao bì dưới tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc trong tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, với 37,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 25% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng; 25% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn một chút và 12,5% doanh nghiệp phản hồi tốt hơn nhiều.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì tại Công ty Cổ phần bao bì Thuận Đức. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong năm 2021, bức tranh ngành bao bì là sự phân hóa theo nhóm ngành hàng và vật liệu đóng gói. Xét theo nhóm ngành hàng, các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp lại có xu hướng giảm.

Xét theo tính chất vật liệu, bao bì mềm là một trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất do bao bì thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, đang được duy trì tốt. Bao bì nhựa cứng cũng có sự phát triển tốt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nhưng ở lĩnh vực khác bao gồm bao bì nhựa công nghiệp, đồ trang điểm/mỹ phẩm và hàng tiêu dùng khác đã gặp khó khăn hơn.

Do nhu cầu đóng gói các sản phẩm phụ trợ, phục vụ việc bán hàng online và phân phối trực tiếp cùng hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử… giúp cho phân khúc giấy bao bì, hộp giấy, thùng carton có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Bao bì kim loại cũng ghi nhận những kết quả tích cực khi người tiêu dùng chuyển sang tích trữ thực phẩm lâu dài do hậu quả của đại dịch. Bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa khách sạn và nhà hàng, và chỉ được bù đắp ở một mức độ nào đó bằng doanh số bán đồ uống thông qua bán lẻ cao hơn. Ở phân khúc cao cấp, bao bì thủy tinh đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lớn về nhu cầu từ ngành mỹ phẩm như nước hoa.

Nhận định về triển vọng trong năm 2022, hơn 80% chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng, ngành bao bì sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và có thể tăng trưởng hơn một chút so với năm 2021.

Nhiều động lực thúc đẩy ngành bao bì trong thời gian tới. Cụ thể, Việt Nam và nhiều nước là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp bao bì cũng chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, nền kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi trong năm 2022, cùng với đó là nhiều người có việc làm và mua nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng của ngành bao bì.

Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực sẽ tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như: nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến…, cùng với nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn như giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), điều đó mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.

Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn. Nhiều doanh nghiệp bao bì đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng việc mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xu hướng sẽ chuyển về bao bì giấy

Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, các nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm/hàng hóa có trách nhiệm đóng góp tài chính vào quỹ Bảo vệ môi trường nhằm mục đích để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Theo đó, các nhà sản xuất và nhập khẩu phải có trách nhiệm tự kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải có kèm theo mẫu kê khai trước ngày 31/3 hàng năm. Đồng thời, các đơn vị này sẽ phải thực hiện nộp tiền đóng góp và hỗ trợ xử lý chất thải vào quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước thời điểm 20/4 hàng năm. Như vậy, năm 2022 chính là mốc đầu tiên mà các nhà sản xuất và nhập khẩu tuân thủ và thực hiện trách nhiệm này. Do đó, các chuyên gia dự báo, xu hướng ngành bao bì 2022 sẽ chuyển về bao bì giấy, nhất là ngành thực phẩm.

Trong khi đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dự báo, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng bao bì giấy dự báo tăng trưởng 14%-18%/năm. Nguyên nhân do sự ưa chuộng ngày càng tăng đối với bao bì làm từ sợi phù hợp với các mục tiêu bền vững của chủ sở hữu thương hiệu; sự điều tiết của chính sách môi trường là tập trung vào việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; sự gia tăng doanh số thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch.

Để đón đầu cơ hội tăng trưởng thị trường, ngoài các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép trước năm 2020 và đang trong quá trình xây lắp máy, đến năm 2021 tại Việt Nam có nhiều dự án mới về giấy bao bì đã được cấp giấy phép đầu tư và bắt đầu triển khai xây dựng tại miền Nam như: Tập đoàn An Việt Phát tại Bình Phước với giai đoạn 1 công suất 500.000 tấn/năm; Công ty CP Đông Hải Bến Tre với công suất 200.000 tấn/năm; Công ty CP Thuận An tại Bình Phước với công suất 300.000 tấn/năm; Công ty Giấy AFC tại Bình Phước với công suất 100.000 tấn/năm; Công ty Packaging tại Vĩnh Phúc với tổ hợp giấy bao bì 870.000 tấn/năm;…

Năm 2022, dự kiến một số doanh nghiệp bắt đầu đưa dây chuyền vào sản xuất như: Công ty Linh Giang với công suất 15.000 tấn/năm; Công ty Xenlulo Quảng Bình với công suất 20.000 tấn/năm; Công ty BBP tại Phú Thọ với công suất 50.000 tấn/năm; Công ty Giấy Cheng Loong với công suất 350.000 tấn/năm; Công ty Giấy Tấn Hưng với công suất giấy tissue 15.000 tấn/năm…

Sự tăng đầu tư mở rộng sản xuất từ phía doanh nghiệp sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà còn phục vụ xuất khẩu, và bắt "làn sóng" khi chủ sở hữu nhiều thương hiệu cải tiến việc ra mắt sản phẩm của họ trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Trước chủ trương của Chính phủ giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm hướng tới phát triển bền vững và vai trò triển khai chiến lược phát triển bền vững trong nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, có 40% doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report cũng lựa chọn thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua tăng sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế như thu gom bao bì giấy, xây dựng nhà máy tái chế; nâng cao công tác quản trị; liên kết hợp tác trong chuỗi cung ứng, giảm lượng khí thải carbon…

Tại Việt Nam, thống kê sơ bộ cho thấy bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30-50%; điện - điện tử chiếm 5-10%; hóa dược phẩm từ 5-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm của Việt Nam là tác nhân thúc đẩy lĩnh vực bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38 - 39%).
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: bảo vệ môi trường

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong 'xanh hóa' sản xuất

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Hội thảo ngành dệt may Việt Nam năm 2045: Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất

Doanh nghiệp dệt may bắt nhịp chuyển đổi số

Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược phát triển ngành sữa

Tình hình quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay ra sao?

Dồi dào đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu lao động

Cách nào phát triển thời trang Việt?

Sản xuất công nghiệp của Nam Định “chạy nước rút”

Bộ Công Thương dự kiến cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực công nghiệp nhẹ

Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường đối thoại để triển khai Cơ chế CBAM

Giải pháp căn cơ cho ngành Công Thương 'chắc chân' trước biến động thị trường

Ngày 27/9, sẽ diễn ra Ngày hội Cotton Day Việt Nam 2024

Xung đột tại Bangladesh có làm chuyển hướng chuỗi cung ứng dệt may?

Phát triển thị trường ngách cho ngành dệt may: Cuộc chơi của các “ông lớn”

Ngành dệt may: Nâng cao năng suất, hóa giải sức ép chi phí nhân công

Dệt may Việt Nam có bao nhiêu thị trường xuất khẩu tỷ USD?

Doanh nghiệp dệt may lo đơn hàng, đơn giá quý IV/2024

Ứng phó với quy định mới tại EU: Doanh nghiệp dệt may lưu ý gì?

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP