Mỹ: Doanh số bán lẻ tăng kỷ lục, kinh tế dần phục hồi sau đại dịch
Trước đó, các nhà kinh tế đã đưa ra mức kỳ vọng tăng trưởng vào khoảng 1,2%. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đã chạm mốc 5,1% trong tháng đầu tiên của năm, cho thấy sức tiêu dùng tăng đáng kể của người Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tất cả danh mục hàng hóa đều ghi nhận có tăng trưởng. Điện tử và các thiết bị gia dụng có mức tăng lớn nhất - 14,7% trong tháng 1. Các mặt hàng nội thất và trang trí trong nhà tăng 12% và mua sắm online tăng 11%. Ngay cả trong lĩnh vực ăn uống - lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch - cũng tăng 6,9%, tuy nhiên, so với tháng 1/2020, doanh thu của lĩnh vực này vẫn giảm 16,6%.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng nhanh trong tháng 1/2021 |
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế này được cho không bền vững. Hàng triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện do Covid-19 đã giảm, các chủng virus mới vẫn là nguy cơ lớn đối với nền kinh tế đang tìm cách mở cửa trở lại. Joel Naroff, nhà kinh tế làm việc tại Naroff Economics, bang Pennsylvania, đánh giá: “Nều kinh tế tăng trưởng mạnh trong tháng 1 và lạm phát cũng theo đà đó mà tăng nhanh.”
Chỉ một tháng sau khi Nghị viện Mỹ thông qua gói kích thích bổ sung trị giá 900 tỷ USD vào khoản ngân sách 2,2 nghìn tỷ USD được phê duyệt trước đó nhằm chống lại các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, mỗi người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình đã nhận được một chi phiếu 600 USD để mua sắm các loại hàng hóa. Nhờ vậy, mức chi tiêu đã tăng vọt và dự báo sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra.
Gói hỗ trợ của chính quyền Mỹ cũng nâng mức trợ cấp thất nghiệp cũng như trợ cấp cho hàng triệu người vốn không đủ điều kiện để đăng ký các chương trình trợ cấp thất nghiệp hoặc những người đã quá hạn trợ cấp thất nghiệp (tối đa 6 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp). Dự kiến, các hỗ trợ tài chính này sẽ kết thúc vào tháng 3 tới.
Sau khi nhận được trợ cấp, cũng như các đợt kích cầu trước đó, người tiêu dùng đa số sẽ tiết kiệm thay vì tiêu dùng. Theo ông Michael Feroli, nhà kinh tế tại JPMorgan, New York, chưa đến 25% số tiền phân phát cho người dân nhằm kích thích tiêu dùng đã được sử dụng vào mua sắm hàng hóa, ngược lại, “tiết kiệm cá nhân đã tăng 20% so với tháng trước.”