Khuyến công Vĩnh Long: Dấu ấn 10 năm triển khai Vĩnh Long: Óng ánh sắc thanh trà đầu vụ |
Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội nghị, Vĩnh Long công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trao biên bản ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh tổ chức không gian triển lãm quy hoạch với hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch tỉnh Vĩnh Long; khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, các nông sản đặc trưng của địa phương; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật giới thiệu những địa điểm tham quan, những sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật…
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới.
Mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Theo quy hoạch, không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết, Vĩnh Long đã và đang hoạch định các giải pháp chiến lược. |
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long xác định: Một trục động lực phát triển (tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ - thị xã Bình Minh); hai hành lang kinh tế (dọc sông Hậu, dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên); ba đột phá phát triển (hạ tầng, lĩnh vực chủ lực, nguồn nhân lực); bốn trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, đô thị); năm nhiệm vụ trọng tâm (cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân)…
Theo Quy hoạch, tỉnh lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế, trong đó: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long đã và đang hoạch định các giải pháp chiến lược, đưa ra các phương án tạo động lực phát triển để xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho từng lĩnh vực, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.