Thứ sáu 03/01/2025 02:02

Mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước!

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định trong cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu sáng 18/9.

Dù ảnh hưởng bởi bão lũ, doanh nghiệp xăng dầu vẫn nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Đầu tháng 9 vừa qua, bão Yagi (bão số 3) đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, các hội viên của hiệp hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ… Đến thời điểm hiện nay, có cửa hàng vẫn ngập sâu 3 m nước.

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp

Tuy nhiên, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương, nước rút đến đâu, các doanh nghiệp, thương nhân xăng dầu tổ chức bán hàng đến đó. Đây là điều cần hoan nghênh vì doanh nghiệp đã rất cố gắng sản xuất, lưu thông, tổ chức kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông tin, 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện 60% kế hoạch cả năm và khoảng gần 90% tổng nguồn được Bộ Công Thương phân giao cho cả năm 2024.

Đặc biệt, trong giai đoạn bão lũ, Petrolimex đã rất nỗ lực để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy. “Chúng tôi đánh giá, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung. Vì bão đổ bộ miền Bắc vào ngày 7/9, thì đến ngày 9/9, trên cơ sở đề xuất của Petrolimex, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Công văn số 6581/BCT-TTTN gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Giao thông Vận tải về việc hỗ trợ vận chuyển, cung ứng xăng dầu” – ông Trần Ngọc Năm chia sẻ. Đồng thời lý giải, thời điểm đó, một số tàu hàng của Petrolimex đã cập cảng nhưng không vào được bờ do bão to, sóng lớn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương, các tàu hàng của Petrolimex đã được phân luồng ưu tiên cập cảng, kịp thời cung ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Đối với vấn đề điện, Petrolimex hiện có 600 km đường ống, nếu không có điện thì không bơm được xăng dầu mà buộc phải vận chuyển bằng đường bộ. Trong bối cảnh mưa lũ, nếu vận chuyển bằng đường bộ sẽ không kịp nguồn cho nhu cầu sử dụng. Do đó, Petrolimex đã tính đến cả phương án khởi động lại máy phát chạy dầu để đường ống xăng dầu có thể hoạt động. Song, may mắn là nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương trong việc nối lại nhanh nhất việc cung ứng điện nên vận chuyển xăng dầu đã được đảm bảo, không có sự gián đoạn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi bão, khoảng 100 cửa hàng của Petrolimex bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng sập mái. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng khiến trên 30 cửa hàng ngập nước, không thể bán được hàng.

“Dù ảnh hưởng lớn nhưng Petrolimex đã đảm bảo dự trữ nguồn hàng trong kho. Đồng thời, có dự phòng trong cả trường hợp bão số 4 ảnh hưởng đến nước ta thì vẫn đảm bảo nguồn hàng bình ổn trong hệ thống Petrolimex” – ông Trần Ngọc Năm thông tin.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ về tình hình ảnh hưởng của bão số 3 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng dầu. Theo phản ánh chung, các doanh nghiệp miền Bắc, đặc biệt là các doanh nghiệp ở địa phương nơi cơn bão đi qua ít nhiều chịu tác động, thiệt hại của bão và hoàn lưu sau bão. Song các doanh nghiệp đã nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão để có thể cung ứng kịp thời xăng dầu đến người dân, đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy.

Cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng (Ảnh: TTXVN)

Trong điều kiện nào cũng đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng

Về nguồn cung trong nước 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin, về sản xuất, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024 hai nhà máy sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Về nhập khẩu, ước nhập khẩu 4 tháng cuối năm 2024 khoảng 3,6 triệu m3 tấn xăng dầu các loại. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm 2024 khoảng hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

“Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhiều cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân” - bà Nguyễn Thuý Hiền khẳng định.

Đồng ý kiến, ông Trần Ngọc Năm thông tin, những tháng cuối năm, nhu cầu xăng dầu sẽ không có diễn biến quá đột biến. Hiện nay, một số người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ thực hiện tích trữ xăng dầu, nhưng đây chỉ là tình trạng cục bộ. Do đó, nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng.

Tại cuộc họp, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao cho cả năm 2024. Theo lý giải của các doanh nghiệp, hiện nay, nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; một số doanh nghiệp bị lỗ do những tháng gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối đang gặp khó khăn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bày tỏ sự cảm ơn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là trong giai đoạn bão lũ. Trong cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương chiều qua (17/9), Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công Thương trong đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu, trong đó có xăng dầu. “Đây là nỗ lực, thành quả chung của Bộ Công Thương, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” – ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cũng sẽ có những diễn biến khó lường, bão lũ có thể xảy ra. Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp.

“Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu thật kỹ đề xuất của doanh nghiệp để trong bối cảnh nào, vẫn phải đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước” – ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Phương Lan
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Điện hạt nhân: Xây dựng mạng lưới thu hút nhân tài

Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực cho điện hạt nhân?

Nhân lực điện hạt nhân: Cần chiến lược đào tạo bài bản

Năng lượng tái tạo ở nông thôn: Triển vọng và thực tiễn

Chuyên gia nêu tuyến đường khí đốt mới thay thế qua Ukraine

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát huy tốt vai trò tham mưu trong phát triển năng lượng...

Đóng điện Trạm biến áp 220kV trong TBA 500kV Phố Nối

Trạm biến áp 220kV Yên Mỹ được nâng công suất gấp 2

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ trình Thủ tướng trước 28/2/2025

EU sẵn sàng trước việc ngừng cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Đóng điện đường dây 220kV đấu nối TBA 500kV Long Thành

Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định về bảo vệ công trình điện lực

Đưa vào vận hành nhiều công trình điện ở phía Nam

Giải bài toán tiết kiệm chi phí cho năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương dự lễ kỷ niệm 30 năm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia

EVNCPC đóng điện công trình TBA 110kV Phú Hòa và đấu nối

EVNNPT đóng điện máy biến áp thứ 3 TBA 220kV Nhà Bè

‘Quay xe’ với khí đốt Nga: Ukraine đang mạo hiểm điều gì?

EVNNPT đóng điện dự án Trạm biến áp 220kV Phước Long