"Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện"!
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về tình hình cơn bão số 9 và công tác ứng phó khắc phục cho biết, đây là cơn bão lớn, đặc biệt nguy hiểm, là cơn bão lịch sử trong 20 năm trực tiếp tác động vào miền Trung nước ta. Cơn bão số 9 đổ bộ sau thời gian nhiều ngày mưa, lũ gây tổn thất nặng nề.
Với sức tàn phá của cơn bão có cường độ rất mạnh và thời gian lưu bão rất dài 6-7 tiếng, mặc dù đã chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản, xong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn, cụ thể: có người 80 người (chết 29, mất liên lạc 51 người), trong đó 45 người do sạt lở đất. 47 người ở Quảng Nam chết 23, mất tích 24 người; 23 người mất liên lạc trên 2 tàu cá tại Bình Định; 10 người chết, mất tích ở các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. 727 nhà sập hoàn toàn (riêng Quảng Ngãi: 325 nhà, Quảng Nam: 288 nhà); 176.797 nhà bị hư hỏng (riêng Quảng Ngãi: 140.033 nhà, Quảng Nam: 27.649 nhà). Thiệt hại ước tính 10.000 tỷ đồng.
Khi cơn bão số 9 vào đến biển Đông, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương trong công tác chỉ đạo, ban hành công điện và trực tiếp họp trực tuyến để triển khai công tác ứng phó. Đồng thời, quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành và các địa phương về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để chuyển biến tình hình mưa, lũ đang còn căng thẳng. “Đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án để góp phần vào khắc phục tình trạng khó khăn rất lớn hiện nay” – Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc |
Thủ tướng yêu cầu, cơ quan báo chí thông tin phải chính xác, trung thực, đúng bản chất. "Tôi chỉ đạo Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải chấn chỉnh. Mưa to hàng nghìn mm, cả cánh rừng bạt ngàn cũng phải sạt, đừng có đổ cho thủy điện, rừng xanh Trà Leng hàng trăm năm dân đã sống ở đó rồi. Tại Hướng Hóa Quảng Trị sạt doanh trại đoàn kinh tế 337 là cách cả 1,6km chứ có phải tại đó đâu?” - Thủ tướng nói.
“Khắc phục cấp bách trước mắt nhưng phải có định hướng lâu dài; thảo luận nguồn lực cần thiết từ xã hội, làm sao để phát động, huy động được sự chung tay của toàn dân, của các mạnh thường quân, hảo tâm vào cuộc hỗ trợ người dân miền Trung, trước mắt là 4 tỉnh, thành mới gặp ảnh hưởng của bão số 9 và lũ lụt gây ra; sau nữa là với các địa phương đang bị lụt trở lại” – Thủ tướng yêu cầu.
Tại buổi làm việc,Thủ tướng Chính phủ đã nghe đại diện tỉnh Quảng Nam báo cáo về công tác tìm kiếm cứu nạn người và tài sản bị vùi lấp do sạt lở đất tại huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My |
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã có những công điện ban hành cho những lĩnh vực phụ trách. Các nhu yếu phẩm về cơ bản được cung ứng vận chuyển đầy đủ. Đã giao cho lực lượng Quản lý thị trường có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, chống lợi dụng thời cơ để tăng giá, găm hàng. “Với phương châm “4 tại chỗ” cơ bản các địa phương đã giảm thiểu được các thiệt hại chung, đề nghị Thủ tướng biểu dương các địa phương và ngành Điện lực trong công tác phòng chống lụt, bão qua cả hai đợt bão số 8 và số 9” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
“Về vấn đề điện và thủy điện, không chỉ riêng Quảng Nam mà còn cả Quảng Bình và Quảng Trị ảnh hưởng của bão và lượng mưa rất lớn đã có tác động rất mạnh đến môi trường của chúng ta. Và thực tế diễn ra tại rất nhiều nơi, chứ không phải chỉ những khu vực gần công trình thủy điện. Thậm chí đến những công trình như Rào Trăng 3, hay ở Trà Leng thì không có câu chuyện tác động trực tiếp của thủy điện” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và khách quan từ các câu chuyện thiên tai liên quan trực tiếp đến môi trường, từ đó có các chính sách đặc biệt. Cần có nghiên cứu kỹ hơn của các bộ ngành với tính dị thường cực đoan của thời tiết để đối phó. Qua đánh giá kiểm tra theo thực tế, thì chúng ta có một số dự án chưa đúng theo quy định. Ví dụ, chưa có phương án với công tác ứng phó thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai, một số chủ đầu tư chưa làm xong và chưa được phê duyệt về phương án phòng chống thiên tai. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát các dự án chặt chẽ, theo đúng trình tự pháp luật.
“Quá trình vận hành hồ chứa, thủy điện ở các địa phương thời gian qua rất tốt. Điển hình như Thuỷ điện Đăkmi 4, nếu không làm tốt công tác điều tiết nước thì tôi đồng ý với ý kiến địa phương là lũ sẽ đến sớm hơn trước ngày 28/10 và mực độ nước về 17.000m3/s chứ không hẳn là 11.000m3/s như báo cáo và chúng ta đã cắt lũ trên đỉnh lũ lên đến 55%. Do đó quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ phải được các được phương quán triệt và điều tiết các đơn vị chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo các phương án "vào cuộc" của Bộ Công Thương trong khắc phục hậu quả của bão số 9 |
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, thời gian tới các địa phương phải rà soát tất cả cát công trình thủy điện các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để đảm bảo phương án phòng chống thiên tai. Đồng thời, cần mời chuyên gia khảo sát, đánh giá nơi sinh sống có địa hình nguy hiểm phức tạp để từ đó có phương án di dời hợp lí. Ngoài ra, phải tạm dừng xây dựng các công trình thủy điện trong thời gian bão, lũ để đảm bảo an toàn cho con người.
“Không có bất kỳ dự án nào sử dụng đất rừng và một mét vuông đất rừng. Thời gian tới sẽ rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng các dự án có nguy cơ quá nhỏ và không có ý nghĩa với ngành điện”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tiếp ngay sau ý kiến của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thêm, theo đánh giá hiện nay, hầu hết vụ sạt lở ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị, Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh hết sức rõ ràng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nguyên nhân nội sinh là lý do chính dẫn đến sạt lở thời gian qua. Thứ nhất, bản đồ dự báo sạt lở tỷ lệ 1/50.000 cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở. Thứ hai, những vùng này đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định. Thứ ba, những đứt gãy này và hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15-16m. Do đứt gãy nên phong hóa rất cao, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét. Về thảm thực vật, hầu hết ở khu vực này, các thảm thực vật cây công nghiệp và cây lương thực có nơi chiếm 100% màu xanh, có nơi chiếm 70%-80%. Ông nhận định những khu dân cư ổn định nhiều năm như điểm sạt lở tại Trà Leng và có độ phủ đầy đủ mà vẫn xảy ra sạt lở cho thấy yếu tố ngoại sinh là nguyên nhân chính. Bộ trưởng dẫn lại báo cáo cho thấy trong 20 ngày, khu vực này phải đồng thời chống chọi 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới kèm theo lượng mưa kỷ lục 250-300 mm, có ngày mưa đến 500 mm.
"Với lượng mưa này thì những khu vực có cấu trúc địa chất tương tự với lượng mưa mỗi ngày 100 mm thì đã có thể xảy ra hiện tượng như bây giờ. Nhưng do biến động cực đoan của khí hậu và thời tiết thì cộng sinh thêm" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, biến động cực đoan của khí hậu và thời tiết là yêu tố cộng sinh gây sạt lở đất trong cơn bão vừa qua |
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Sạt lở tạo ra yếu tố lũ quét, nhưng lũ quét lại làm gia tăng trượt lở do yếu tố đất đai phong hóa đã có từ trước", sau khi hết bão, Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề này.
Nói thêm về các hồ điều tiết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh miền Trung thời gian qua trong việc điều tiết hồ chứa giúp giảm lũ lớn cho hạ lưu, dù chưa thể cắt đỉnh lũ. Theo báo cáo, có hồ góp phần giảm 30%, có nơi góp phần giảm 80% lượng lũ.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong phần phát biểu của mình, nêu vấn đề: "Thủ tướng có nêu việc đánh giá liên quan đến tình hình sạt lở và nguyên nhân. Tại các cuộc họp báo, báo chí cũng đã thông tin nhưng chúng ta phải làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng ta phải thật bình tĩnh trước khi đưa ra các kết luận, phải dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn".
Nguyên nhân khách quan phải thừa nhận là lịch sử chưa hề có trong vòng một tháng mà người dân miền Trung đã hứng chịu bão chồng bão, mưa chồng mưa. Lượng mưa gấp đôi một năm thì lượng kết dính của đất, của lòng đất sẽ không còn nữa và khi nó treo dốc, tích tụ lại thì "quá sức". Đây là những nguyên nhân khách quan gây sạt lở, không thể nói khác được. "Trong lịch sử, chúng ta đã chứng kiến, như ở Quảng Nam năm 1964 đã có những diện tích rừng tự nhiên rất lớn bị sạt lớn. Năm 2019, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi Hà Giang do lũ quét, lũ ống quét toàn bộ khu rừng mà không phải do khai thác rừng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, các tỉnh miền Trung anh hùng phải tìm cách thích ứng và sống chung với lũ, đoàn kết vượt qua thử thách, làm tốt công tác chủ động phòng chống thiên tai.
“Tìm mọi biện pháp cứu người khi chưa tìm thấy ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Bình Định. Tích cực cứu chữa người bị thương. Không được để người dân sống màn trời chiếu đất, cơ cực sau lũ. Đặc biệt, ngành Y tế hỗ trợ giúp dân phòng ngừa dịch bệnh. Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, tiện lợi. Các đơn vị lực lượng vũ trang tiến hành dựng lại nhà cho dân sớm nhất, các địa phương sớm di dời dân khỏi vùng nguy hiểm đề phòng bão lũ số 10”- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương nhanh chóng khôi phục hệ thống điện, sản xuất công nghiệp, cung ứng đủ hàng, nhất là lương thực thực phẩm, vật liệu sửa chữa nhà cửa, kiểm soát giá cả thị trường.