Mưa lớn, thủy điện, thuỷ lợi xả tràn: Bắc Trung Bộ nhiều nơi ngập lụt và sạt lở đất
Chiều nay 25/9, mưa lớn vẫn đang tiếp tục dồn dập trút xuống nhiều địa phương ở các tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau 2 ngày mưa lớn, kéo dài cộng thêm nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện thông báo đồng loạt xả tràn. Hàng trăm nhà dân bị ngập lụt, gia cầm và gia súc chết ở nhiều nơi.
This browser does not support the video element.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao nhiệt đới lấn về phía tây nên các địa phương ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to trong 24 giờ qua với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2 ngày qua, mưa lớn, nhiều hồ, đập thông báo xả lũ xuống hạ nguồn. Để đảm bảo an toàn hồ đập, nhiều thuỷ điện, hồ thủy lợi, ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã đồng loạt thông báo xả tràn.
Hiện tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ, được các địa phương vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt. Cụ thể, hồ chứa nước Sông Sào đang xả tràn 2 cửa van với mức 245m3/giây. Hồ chứa Vực Mấu đang xả 2 cửa van từ 9h30 sáng nay với tốc độ 291m3/giây.
Hồ Vực Mấu (Hoàng Mai)- hồ thủy lợi lớn nhất ở Nghệ An - xả tràn trong trưa 25/9 |
Ngoài ra, có 21 nhà máy thủy điện ở Nghệ An đang vận hành khai thác, trong đó có 8 nhà máy Bản Vẽ; Khe Bố; Chi Khê; Nậm Nơn; Nậm Mô; Bản Ang; Nhạn Hạc A và Châu Thắng đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Đến 11h sáng nay, hồ chứa thuỷ điện Châu Thắng, xã Mường Nọc tiến hành xả lũ với tổng lưu lượng từ 76m3/giây đến 500m3/giây. Thủy điện Chi Khê xả nước hồ chứa thủy điện Chi Khê từ 13 giờ 30 phút ngày 25/9. Tổng lưu lượng xả từ 500m3/giây đến 1.200m3/giây.
Do mưa lớn, lượng nước từ các hồ thủy lợi, thủy điện về nên nhiều tuyến đường, khu vực dân cư dọc quốc lộ 48 và trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hoàng Mai bị ngập lụt, chia cắt. Có nhiều đoạn nước ngập hơn nửa mét khiến xe cộ không thể di chuyển được.
Tại thị xã Thái Hòa, mực nước trên sông Hiếu vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều cầu, tràn, khe suối bị ngập băng trong nước. Ở các xã Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Tây Hiếu và phường Quang Phong…nhiều nhà dân ở các vùng trũng thấp bị ngập nặng, cô lập.
Còn tại Hà Tĩnh, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 2 ngày qua mưa lớn, gây ra ngập lụt cục bộ tại một số địa phương miền núi Hà Tĩnh. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nhà máy thủy điện Hố Hô điều tiết nước qua tràn từ 0h30 ngày 25/9 với lưu lượng xả 328 m3/s; thời điểm xả lớn nhất lúc 1h30 là 948 m3/s; lúc 6h ngày 25/9 xả qua tràn 332 m3/s.
Mưa lớn đã gây ra ngập lụt cục bộ tại một số địa phương miền núi. Cụ thể tại huyện Hương Sơn, ngập cục bộ một số đoạn thấp trũng trên các tuyến quốc lộ 281 đoạn qua xã Kim Hoa; đường liên xã Tây Lĩnh Hồng đoạn qua xã Sơn Hồng; đường liên xã Ninh Tiến đoạn qua xã Sơn Tiến.
Tại huyện Vũ Quang có 4 xã hạ huyện ngập cục bộ, một số thôn đã bị cô lập. Cụ thể: xã Đức Hương ngập hai tuyến tại thôn Hương Hòa, Hương Giang; xã Đức Bồng ngập 5 tuyến dài 4,5 km tại các thôn 4, 5, 7, 8; xã Đức Lĩnh ngập 2 tuyến dài 0,5km tại thôn Cừa Lĩnh, Yên Du; xã Đức Giang ngập 1 tuyến thôn 1 Bồng Giang dài 0,8km.
Trước dự báo toàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để có phương án ứng phó phù hợp; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông, ven suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Trước diễn biến mưa lũ và nhiều hồ thủy điện, thủy lợi xả tràn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu khẩn các địa phương, đơn vị thông báo cho người dân chủ động sơ tán người, tài sản khỏi các khu vực ngập lụt, sạt lở đất. Cùng với đó các lực lượng chức năng tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, trục đường giao thông bị ngập, không cho người và phương tiện qua lại. Rà soát các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để chủ động các phương án đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.