Thứ hai 23/12/2024 10:01

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Vắng bóng kế hoạch M&A

Khác với các năm trước, mùa Đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A), chào bán cổ phần cho nhà đầu nước ngoài vắng bóng.

Không có kế hoạch M&A mới

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông vừa công bố, năm nay, LPBank dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 31%) qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trước đó, năm 2023, Đại hội đồng cổ đông LPBank đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 3.000 tỷ đồng, song kế hoạch này không thể triển khai do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Tương tự, năm 2024, tài liệu Đại hội đồng cổ đông của MSB cũng không ghi nhận tờ trình hay thông tin nào về kế hoạch M&A đối với ngân hàng khác. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, tờ trình này sau đó không được cổ đông thông qua.

Trong các ngân hàng thương mại cổ phần đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông từ cuối tháng 3/2024 đến nay, cũng ít ngân hàng công bố kế hoạch M&A hoặc chào bán riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB chia sẻ, ngân hàng đã quan sát một vài đơn vị có thể có khả năng M&A. Tuy nhiên, sau khi quan sát xong thấy vẫn cần duy trì phát triển nội tại để không bị chệch hướng so với mong muốn của cổ đông. Do đó, ACB không có kế hoạch M&A trong năm nay. Ngay cả công ty con là ACBS, dù có nhiều đối tác tìm tới, song do không nhìn thấy cơ hội hợp tác, nên ACB cũng quyết định tự tăng vốn để phát triển. “ACB sẽ cởi mở để tạo cơ hội tăng vốn nếu có cơ hội hợp tác tốt trong thời gian tới”, ông Trần Hùng Huy cho biết.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, ABBank cũng không đề cập kế hoạch M&A hay chào bán riêng lẻ cho nước ngoài. Tuy vậy, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank cũng thừa nhận, để đạt mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD trong tương lai, ABBank sẽ cần cú hích như M&A, có cổ đông mới, hoặc niêm yết.

Thương vụ M&A giữa VPBank và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là một trong những thương vụ đình đám trong ngành ngân hàng

Nhiều thương vụ cũ đang tiếp tục đàm phán

Hiện nhiều ngân hàng chưa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2024, đặc biệt là các ngân hàng đã lên kế hoạch M&A từ mùa Đại hội đồng cổ đông năm ngoái. Do đó, chưa rõ lộ trình M&A đang tiến hành đến đâu. Cụ thể, kế hoạch bán vốn tỷ USD của BIDV và Vietcombank được cho là đang trong quá trình đàm phán.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Vietcombank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến hoàn tất thương vụ trong năm 2023 - 2024. Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, song vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này mới ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo nguồn tin của Bloomberg, tới đầu năm nay, Vietcombank lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ. Đợt chào bán vốn có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2024, dự kiến thu về khoảng 1 tỷ USD (tương đương 25.000 tỷ đồng).

Huy động vốn nước ngoài giúp các ngân hàng Việt cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động

BIDV cũng đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.

Tương tự, theo kế hoạch tăng vốn năm 2023, BIDV còn kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công. Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú từng cho biết, ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng quan tâm.

Trong báo cáo phân tích về BIDV mới đây, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong thời gian qua, BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2022.

BVSC nhận xét, việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025, trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng.

Còn tại HDBank, dù không đưa ra kế hoạch bán vốn cụ thể tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, song trao đổi với nhà đầu tư, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của HDBank. Ngân hàng dành khoảng 10% room ngoại (hạn mức cho nhà đầu tư nước ngoài) cho việc phát hành tăng vốn và đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược.

Ông Tùng thông tin, thời gian qua, HDBank nhận được sự quan tâm của một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược sẽ triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và tìm được đối tác phù hợp.

Tại Nam A Bank, Tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm cho hay, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để tìm nhà đầu tư phù hợp. Nam A Bank sẽ sử dụng room ngoại cho phép ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhằm thu hút thêm vốn ngoại.

“Niêm yết cổ phiếu NAB đánh dấu bước chuyển mình, giúp Nam A Bank thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục khẳng định hoạt động kinh doanh minh bạch, ổn định, giúp ngân hàng sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu Việt Nam, mang đến các giải pháp tài chính tốt nhất cho các khách hàng”, ông Tâm nói.

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông SHB, lãnh đạo nhà băng này cũng chia sẻ về kế hoạch M&A. Theo đó, từ đầu năm 2022, SHB đã triển khai làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, cuối năm 2022 thị trường tài chính và chứng khoán của thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, dẫn đến định giá công ty niêm yết nói chung và các ngân hàng nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực. Để bảo vệ tối đa lợi ích cho các cổ đông hiện hữu và đảm bảo giá phát hành phù hợp, việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã tạm dừng. Do vậy, Hội đồng quản trị SHB trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc SHB tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2022 về phương án tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho đến khi hoàn thành giao dịch với nhà đầu tư.

Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital nhìn nhận, rào cản lớn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room, do đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nên cần xem xét nới room. Và khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: M&A

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày