Một số lưu ý đặc biệt cho thực tập sinh muốn đi làm việc tại Nhật Bản
Chia sẻ tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản nhân buổi tiếp Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: Hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc.
Hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản có sự phát triển. Ảnh: CP |
Nhiều chương trình, dự án như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)... đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là kết quả tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc thời gian gần đây.
Theo Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu, hiện nay có khoảng 570.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Các bạn trẻ của Việt Nam có nhiều sự lựa chọn để sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Giới chuyên gia cho hay, khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, cơ hội đi làm việc tại Nhật Bản thông qua con đường xuất khẩu lao động càng trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt từ giữa năm 2023, Chính phủ Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề, trong đó có ngành chế biến thực phẩm, nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định và nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.
Để thu hút người lao động, Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua 2 dự luật sửa đổi Luật Quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tỵ nạn; sửa đổi Luật về thực hiện nghiêm Chương trình thực tập kỹ năng cho người nước ngoài và bảo hộ lao động nước ngoài theo chương trình này. Điều đó thể hiện sự mở cửa và linh hoạt trong chính sách nhập cư lao động của Chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, các thực tập sinh muốn đi làm việc tại Nhật Bản cần chú ý một số quy định bắt buộc. Cụ thể, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh thông báo chương trình tư vấn giới thiệu việc làm ngoài nước tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp tuyển dụng thực tập sinh ngành trang trí nội thất, chế biến thực phẩm và may công nghiệp… đưa ra yêu cầu lao động không cần bằng cấp nhưng phụ nữ không được có hình xăm.
Theo thông báo, các đơn vị tại Nhật đang cần tuyển thực tập sinh nam ngành trang trí nội thất với điều kiện tuổi từ 18 - 32; tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; không yêu cầu tay nghề nhưng phải có sức khỏe tốt, siêng năng, chịu khó. Mức thu nhập của công việc này từ 30 triệu đồng/tháng trở lên. Thời hạn hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm hoặc 5 năm. Sau khi hoàn thành hợp đồng 3 năm về nước, người lao động sẽ nhận lại được tiền bảo hiểm xã hội từ 80 - 100 triệu đồng.
Đơn tuyển dụng thứ hai là thực tập sinh nữ chế biến thực phẩm làm việc tại Nagasaki. Điều kiện tuyển dụng là nữ lao động ở độ tuổi 18 - 35, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, sức khỏe tốt, siêng năng, chịu khó và đặc biệt không có hình xăm. Hiện đã có hơn 80 thực tập sinh Việt Nam làm việc tại đây. Thu nhập hàng tháng từ 28 triệu đồng trở lên. Sau khi hoàn thành hợp đồng 3 năm về nước, người lao động sẽ nhận lại được tiền bảo hiểm xã hội từ 80 - 100 triệu đồng...
Nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm công việc phù hợp và đi làm việc tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng, lựa chọn nghề nghiệp trong môi trường có tính minh bạch cao, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, dự kiến thực hiện trong 5 năm, từ năm 2023 - 2028.
Dự án cũng hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận thông tin đầy đủ về việc làm trong nước qua thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, từ đó có thể lựa chọn công việc phù hợp và tận dụng được kiến thức kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình làm việc tại nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ có thể tiếp cận tốt hơn với những lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có thông tin đầy đủ, tiếp cận tốt hơn và kết nối trực tiếp với người lao động trở về nước.