Môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn
Luật DN và Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực vào đầu năm tới sẽ tạo ra những thay đổi, ông có thể cho biết một số nét cụ thể?
Luật DN 2020 có điểm mới là cho phép DN được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường, nhất là quản trị DN. Luật đã sửa đổi khái niệm DN nhà nước để xác định rõ loại DN mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Đặc biệt, Luật DN 2020 thay đổi lớn trong vấn đề cấp dấu DN. Cụ thể, Luật DN 2014 quy định dấu DN là do cơ quan công an cấp, Luật DN 2020 cho phép DN tự làm con dấu, trao toàn bộ quyền cho DN và bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan kinh doanh. Đồng thời, việc đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cũng trở nên dễ dàng hơn khi có hệ thống ĐKKD hoàn toàn qua mạng hoặc đăng ký qua dịch vụ bưu chính.
Luật Đầu tư 2020 cũng có nhiều thay đổi, nổi bật là thay đổi liên quan đến vấn đề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư, kinh doanh, thực hiện dự án. Ngoài ra, điểm mới của Luật này sẽ cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; quy định danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ, nâng cao tính minh bạch trong áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đặc biệt, bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, nhằm thúc đẩy DN hướng đến phương thức thu hồi nợ văn minh hơn qua tòa án, trọng tài, hòa giải... Luật Đầu tư 2020 hứa hẹn tạo đà thúc đẩy các dòng vốn đầu tư, giúp DN có cơ hội tiếp cận gần hơn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, DN nước ngoài cũng có cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Luật mới giúp DN thuận lợi hơn khi gia nhập thị trường |
Đối với cộng đồng DN, việc thi hành hai bộ luật sẽ có những tác động tích cực như thế nào, thưa ông?
Có thể nói, các DN trong và ngoài nước rất quan tâm đến môi trường pháp lý, nhất là lần này Luật DN sửa nhiều nội dung liên quan đến quản trị công ty theo hướng hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện, nhất là các FTA thế hệ mới.
Thực tế hiện nay, các DN đang tồn tại và cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Song sự hỗ trợ của Chính phủ với các giải pháp về tài chính, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng góp phần tháo gỡ những khó khăn cho DN.
Từ phía môi trường pháp lý kinh doanh, các quy định pháp lý thay đổi thuận lợi thì DN sẽ có thêm nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, hiệu quả hơn sau khủng hoảng đại dịch, nhất là vấn đề tái cơ cấu lại DN, thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng thời cơ mang lại từ các FTA.
Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại luật mới trong giai đoạn đang có biến động về dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới và trước sự cạnh tranh giữa các nước để thu hút đầu tư sẽ là một công cụ hữu hiệu, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Cộng đồng DN vẫn quan ngại về sự chồng chéo giữa các luật, thủ tục hành chính chưa được cải cách triệt để. Theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục những vấn đề này?
Sự chồng chéo giữa các luật và nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện triệt để gây khó khăn cho DN. Theo đó, các DN rất quan tâm đến những thay đổi của 2 luật mới, kỳ vọng sự thay đổi này sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho DN mới gia nhập thị trường, mà cả quản trị các DN đang hoạt động trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu.
Từ sự thay đổi trong pháp luật kinh doanh đồng bộ, cộng với các chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng của Chính phủ dành cho DN được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, sôi động, hấp dẫn cho môi trường kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!