Mới có 5/11 bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tại Hội nghị sơ kết diễn ra ngày 28/6/2023, Bộ Tài chính cho biết, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các Bộ, ngành là 11.858,314 tỷ đồng.
Ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).
Quang cảnh Hội nghị |
Về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 Bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông Vận tải (30,97%). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,56%), 2 Bộ còn lại có số giải ngân rất ít, Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%).
Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trên theo Bộ Tài chính là do tuy các dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, Hợp đồng ủy quyền cho vay lại; vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng.
Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đã đưa ra cam kết tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; tiếp tục triển khai các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với các chủ dự án cần tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.