Mở rộng thị trường qua Hội chợ thương mại, ngày hội nông sản OCOP
Những gian hàng được trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm tại Hội chợ trong khuôn khổ 7 ngày từ 7 - 13/11/2020 đều là những sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao theo tiêu chí của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, sản phẩm nông sản sạch và sản phẩm CNNT tiêu biểu được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận. Cụ thể, có 16 gian hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các huyện, thành phố và 10 gian hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thuộc Hội Doanh nhân trẻ trong và ngoài tỉnh.
Khai mạc Hội chợ thương mại, ngày hội nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn 2020 |
Phát biểu khai mạc Hội chợ, bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - cho biết: Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo cơ bản các tiêu chuẩn quy định theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGap và hữu cơ, bao bì mẫu mã đa dạng có sức cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn rất đa dạng, sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng với các sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, sản phẩm CNNT tiêu biểu như: miến dong, Vi-cumax Nano Cucurmin, Trịnh năng Curcumin, tinh nghệ Bắc Kạn, bí xanh thơm, gạo Japonica, gạo Bao thai, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, lạp sườn gác bếp, bún khô, phở khô, trà thảo dược giảo cổ lam núi đá, trà cà gai leo, trà mướp đắng rừng, bộ sản phẩm thảo dược tắm, chuối sấy, nấm sò, ván gỗ dán, gà thả đồi 5 sao, mật ong rừng, cam, quýt...
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc Hội chợ |
Thông qua Hội chợ thương mại, ngày hội nông sản OCOP, tỉnh Bắc Kạn sẽ có thêm cơ hội giới thiệu tiềm năng, các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đó, thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho thương nhân, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, ký kết cung cấp, tiêu thụ sản phẩm nông sản có chất lượng của tỉnh Bắc Kạn – Bà Hoa nhấn mạnh.
Tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận và biểu trưng sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn năm 2020 cho 20 sản phẩm tiêu biểu thuộc 19 cơ sở CNNT. Sản phẩm miến dong Tài Hoan của HTX Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì, Bắc Kạn) đã được vinh danh là sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn năm 2020. Chia sẻ niềm vui này, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: Với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng thị trường khó tính, cơ sở đã mạnh dạn sản xuất miến quy mô lớn bằng máy móc. Nhờ vậy, sản phẩm miến Tài Hoan đã có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng, các kênh bán hàng online, siêu thị Hapro ở Hà Nội và đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, HTX có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Không chỉ góp phần tạo nên uy tín cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, HTX Tài Hoan còn tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 15 đến 20 lao động địa phương với thu nhập sáu triệu đồng/người/tháng.
Nhờ chất lượng sản phẩm, uy tín sản xuất, HTX Tài Hoan là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất khẩu mặt hàng miến dong sang Cộng hòa Séc. Ðến tháng 8/2020, HTX đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng đợt này là gần 15.000 USD. Từ đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư để hoàn thiện nâng công suất chế biến lên từ một đến hai tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
“Cũng thông qua những hội chợ thương mại như này, sẽ giúp giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cho những sản phẩm CNNT tại địa phương nói chung và sản phẩm của HTX Tài Hoan nói riêng” – Bà Hoan cho hay.
Trao giấy chứng nhận và biểu trưng sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn năm 2020 cho 20 sản phẩm tiêu biểu thuộc 19 cơ sở CNNT |
Cùng với việc chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt, những năm qua, việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các địa phương của tỉnh Bắc Kạn sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, từng bước thay đổi nhận thức của công đồng nhất là các vùng miền núi, vùng vao về sản xuất hàng hoá.
Từng bước thúc đẩy người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.