Thứ sáu 08/11/2024 09:51

Mở cửa sớm là “mệnh lệnh” của cuộc sống

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để vực dậy sản xuất nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Xin ông cho biết đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp (DN) hiện nay, khi nước ta đã trải qua 4 đợt bùng phát?

Có thể nói rằng, chưa bao giờ DN gặp khó khăn như hiện nay. Có đến 90.000 DN rời khỏi thị trường trong 9 tháng qua. Các DN còn đang hoạt động cũng trong tình trạng kiệt quệ, rất khó khăn. Những khó khăn DN đang gặp phải đã gây ra nhiều hệ lụỵ. Riêng về mặt lao động, có đến 2,4 triệu người phải cố gắng tìm việc làm mới hoặc tham gia vào “đội quân” thất nghiệp.

Khó khăn của DN khiến 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả nước đạt được rất thấp (1,42% so với cùng kỳ). Riêng quý III, cả nước đã tăng trưởng âm 6,17%. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử GDP theo quý âm, mà âm rất sâu. Nếu tình hình không được cải thiện trong những tháng tới thì tăng trưởng GDP sẽ còn sụt giảm nhiều hơn.

Với những diễn biến như vậy, Việt Nam từ vị trí nền kinh tế ngôi sao trong suốt năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã trở thành một quốc gia mà cả kết quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế đều ở mức dưới trung bình. Nguy cơ lớn nhất của chúng ta hiện nay là sức chống chịu của người dân, DN và cả hệ thống đã gần tới ngưỡng và Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp trong nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì các nền kinh tế khu vực và trên thế giới, trong đó có những đối tác chiến lược của chúng ta, các nền kinh tế hàng đầu và các đối thủ cạnh tranh của chúng ta đều đang trong quá trình hồi phục khá mạnh mẽ. Như vậy, quá trình tái cấu trúc lại kinh tế sau khủng hoảng không có chúng ta.

Vậy theo ông, các chính sách hỗ trợ DN phục hồi cần tập trung vào những khía cạnh nào để vực dậy sản xuất, vực dậy nền kinh tế trong quý cuối năm 2021?

Tôi luôn luôn quan niệm rằng gói hỗ trợ và kích thích kinh tế lớn nhất là mở cửa thị trường. Tôi rất hoan nghênh nhiều địa phương đã chủ động các phương án; đặc biệt tôi ủng hộ việc TP. Hồ Chí Minh có một khuôn khổ riêng, một kế hoạch riêng và cẩm nang hướng dẫn riêng cho mình. Bởi vì nếu chờ đợi và đáp ứng những tiêu chí ngặt nghèo của ngành y tế thì phải vài tháng nữa, TP. Hồ Chí Minh mới có thể mở cửa trở lại. Với một thành phố lớn, một động lực, đầu cầu tăng trưởng, trung tâm kết nối với thế giới mà chậm trễ thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Tất nhiên, việc mở cửa của TP. Hồ Chí Minh cần kết nối với các tỉnh, thành phố khác. Nếu có sự đồng lòng, có giải pháp tổng thể để cùng mở cửa, cùng kết nối thì sẽ là một giải pháp tạo nên động lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Hà Nội cũng đã có những biện pháp phòng, chống dịch rất tốt và bây giờ đã đẩy mạnh việc mở cửa. Nếu cả hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước cùng với các tỉnh, thành phố khác đồng loạt mở cửa trên cơ sở đảm bảo điều kiện kinh doanh an toàn, chấp nhận rủi ro nhưng có kiểm soát thì đó sẽ là cách đi đúng. Không thể nào cầu toàn và chậm trễ được. Mở cửa sớm là mệnh lệnh của cuộc sống!

Ngoài việc mở cửa thị trường, chúng ta cần những giải pháp gì để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DN, thưa ông?

Chúng ta cần cải cách thể chế, tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và DN. Đây là thời điểm thích hợp nhất để tạo được sự đồng thuận cho việc thúc đẩy cải cách thể chế. Phải hết sức tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển của DN vì đấy là sức sống của nền kinh tế, là sinh kế của người dân.

Bên cạnh đó, phải tổ chức thật tốt các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ, về an sinh mà chúng ta đã ban hành. Hiện, hỗ trợ này chỉ mới thực hiện trên dưới 50%, như vậy chúng ta vẫn còn dư địa 50% nữa. Nếu đẩy mạnh và các đối tượng được thụ hưởng thì sẽ thực sự là động lực để giúp DN hồi sức. Dư địa của các chính sách tài chính của chúng ta còn đủ để mở rộng những gói hỗ trợ. Trong những năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong việc giảm bội chi ngân sách, tăng cường dự trữ, và bây giờ là lúc chúng ta có thể thực hiện chính sách tài chính ngược chu kỳ trong việc sử dụng nguồn lực đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Có lẽ cần có sự tích hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Tôi không nghĩ là dư địa của chính sách tiền tệ còn nhiều nhưng dư địa của chính sách tài khóa thì còn lớn nên cần tăng cường các chính sách về tài khóa, cộng hưởng với những biện pháp về tiền tệ để có thể giúp cho các DN giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay của họ đó là tính thanh khoản.

Gói hỗ trợ tiếp theo, là gói hỗ trợ để nâng cao năng lực của các DN. Gói này bao gồm một loạt các hoạt động mà chúng ta phải làm để giúp DN tái cấu trúc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản trị DN. Cần đưa ra những chương trình đào tạo tốt nhất để nâng cao trình độ cho các DN. Các chương trình có thể thực hiện theo phương pháp trực tuyến để các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận. Đồng thời, phối hợp thêm các chương trình hỗ trợ khác để giúp họ nâng cao năng lực như những hỗ trợ về sáng tạo, chuyển đổi số…

Một hỗ trợ vô cùng quan trọng nữa đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư. Thời gian vừa rồi chúng ta đã làm trực tuyến nhưng cần làm mạnh mẽ hơn. Đây cũng là thời gian có thể bước đầu mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư trực tiếp.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư công được xem là một giải pháp để đạt được hai đích, vừa có được cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, vừa kích cầu, tạo tác động lan tỏa cho sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan

Tin cùng chuyên mục

OCB được vinh danh Thương hiệu quốc gia lần thứ 3 liên tiếp

Chubb Life Việt Nam mở rộng văn phòng đối tác Infinity tại Cần Thơ và Hưng Yên

Nestlé Việt Nam được vinh danh là “Nhà quảng cáo của năm” tại MMA Awards 2024

Vinalink Group: Hành trình lan tỏa yêu thương và thực hiện trách nhiệm cộng đồng

PV GAS được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 26,5% trong tháng 10

Cuộc thi Nhập vai 2024: Khi cảm xúc là 'điểm tựa' chạm đến trái tim khách hàng

Supe Lâm Thao là một trong những nhân tố giúp ngành chè Việt Nam phát triển bền vững

Doanh nghiệp bất động sản sắp xếp nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới

Coteccons được vinh danh 'Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024'

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và GEAPP hợp tác chuyển dịch năng lượng xanh

Tôn Đông Á - 26 năm hành trình 'cùng xây cuộc sống xanh'

Tập đoàn Phenikaa lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Bưu điện Việt Nam được vinh danh Thương hiệu Quốc gia lần thứ 2

ROX iPark được vinh danh là doanh nghiệp tăng trưởng xanh

TNPM ghi dấu ấn trên thị trường quản lý vận hành bất động sản Hà Nội

Casumina hướng tới tương lai: Đổi mới, sáng tạo và vươn xa

Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống miến dong sạch Quyền Thiết - Làng So

FSEL: Học ngoại ngữ tương tác cùng AI dành cho người Việt

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel