Ngày 16/8/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Các thành viên Tổ công tác đặc biệt gồm: Giám đốc, thủ trưởng các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội, Cục Thuế TP. Hà Nội, TP. Hà Nội, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Quyền Giám đốc Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo Công an thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Tổ công tác.
Nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt là chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết tháo gỡ…
Bám sát nhiệm vụ, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp cùng TP. Hà Nội thường xuyên tổ chức nhiều phiên họp và các hội nghị, hội thảo để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp thứ 5 của Tổ công tác đặc biệt. (Ảnh: VGP) |
Ngày từ đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt đã thường xuyên chủ trì các phiên họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tháng 2/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các địa phương liên quan về thực tế vướng mắc của từng dự án; chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, rà soát các vướng mắc trong đầu tư.
Chỉ hơn một tháng sau, ngày 11/4, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố tiếp tục chủ trì phiên Họp lần thứ 4 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt, tính đến thời điểm ngày 13/8/2024, có 46 kiến nghị của 45 nhà đầu tư; trong đó, 43/46 kiến nghị đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rà soát, báo cáo; 3 kiến nghị mới chưa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành.
Ngày 13/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại phiên họp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt đã trực tiếp lắng nghe đề xuất, kiến nghị của 4 doanh nghiệp trên địa bàn, liên quan về các vấn đề đầu tư, mặt bằng của các dự án, bao gồm: Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Biti’s miền Bắc tại Cụm công nghiệp Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) của Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên; dự án đầu tư “Tổ hợp Thương mại dịch vụ và Văn phòng Thạch Bàn” (địa chỉ số 455, đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn; dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai; dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ để bán (tại Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc.
Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, thời gian qua, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị, địa phương liên quan về tình hình thực tế vướng mắc của từng dự án. Cùng với đó, Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Tổ công tác sẽ tham mưu cho UBND Thành phố các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư. Chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp và sớm báo cáo Chính phủ và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực. Đến nay, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu, cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ô tô, xe máy…
Điển hình như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hiện tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ngành điện tử như các công ty: Buykane làm ốc vít, Toho làm khuôn mẫu, Aikawa làm chi tiết kim loại dập, Standar làm các chi tiết nhôm…
Đại diện các doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trở thành "nòng cốt" cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.