CôngThương - Ông Trần Du Lịch đã không ngần ngại chỉ rõ: “Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương duyên hải miền Trung rất bất cập: vừa thừa vừa thiếu và lại yếu. Tiềm lực đào tạo lớn nhưng không đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến mất cân đối cung - cầu trên thị trường”.
Còn ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực trong vùng trước hết phải đánh giá nguồn nhân lực hiện có, tiếp đó cần xem xét đặc điểm, điều kiện về kinh tế xã hội, lịch sử văn hóa của vùng để đặt ra yêu cầu đào tạo… Đặc biệt, cần xác định nhu cầu của các doanh nghiệp để định hướng xây dựng các ngành nghề đào tạo phù hợp và có hình thức liên kết phù hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề chứ không phải mạnh ai nấy làm…
Đáng buồn hơn như PGS-TS Bùi Tất Thắng- Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho hay: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thế nhưng, với thực trạng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay thì rất khó hoàn thành chiến lược đề ra”.
Thực tế cho thấy, 7 tỉnh duyên hải miền Trung gồm: Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa hiện nay có 5,8 triệu người độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, chiếm 71,3% dân số; 84 trường ĐH, CĐ, TCCN và 242 cơ sở đào tạo nghề nhưng phân bổ không đồng đều; đặc biệt là sự bất cập giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đã vậy, các địa phương miền Trung còn thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực để cùng phát triển; chất lượng đào tạo một số ngành nghề còn thấp; điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Theo đánh giá tại Hội thảo, nhìn chung, trình độ học vấn của đội ngũ lao động trong vùng duyên hải miền Trung còn thấp, lực lượng sản xuất trực tiếp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là với các ngành sản xuất đòi hỏi lao động có trình độ kỹ thuật cao. Cơ cấu đào tạo còn nhiều bất hợp lý, chậm chuyển biến; chất lượng đào tạo một số ngành nghề còn thấp, thiếu các cơ sở đào tạo chuyên ngành, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học xã hội - nhân văn, văn hóa - nghệ thuật… Thị trường lao động của vùng đã bước đầu hình thành nhưng còn có sự méo mó trong quan hệ cung - cầu lao động, giữa đào tạo và yêu cầu sử dụng; không đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số ngành nghề trong các lĩnh vực: du lịch, công nghệ cao, công nghiệp lọc dầu và hóa dầu, y tế… đang thiếu hụt lao động.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là trong giai đoạn cả nước đang phấn đấu công nghiệp hóa- hiện đại hóa các ngành nghề, lĩnh vực.. các tỉnh miền Trung và đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất một số kiến nghị đối với Chính Phủ và các địa phương liên quan để có hướng hỗ trợ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực vùng như: cần có quy hoạch và định hướng đầu tư hệ thống đào tạo đại học và cao đẳng trong vùng có trọng điểm; cần có sự hợp tác, phân công giữa các địa phương trong vùng; xây dựng Quỹ đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn trong cả vùng; nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm phát triển thị trường lao động chung cho cả vùng.
Với mục tiêu đó, tại Hội thảo đã thông qua được Chương trình ký kết hợp tác liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung gồm 4 nội dung: Ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong vùng; ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch trong vùng; ký kết hợp tác giữa các cơ sở y tế và các cơ sở đào tạo ngành y tế; ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ký kết các văn bản liên kết đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Nguyễn Bá Thanh- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng- Tổ trưởng Tổ điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung- cho rằng, hiện nay tuyển dụng lao động quá dễ dãi nên không đánh giá được chất lượng đào tạo. Vì vậy, hằng năm, Tổ điều phối vùng duyên hải miền Trung sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo kiểm tra, đánh giá những cơ sở đào tạo. Đồng thời các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để nâng cao năng lực đào tạo của các trường.