Mạnh tay với doanh nghiệp yếu kém
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), cả nước hiện có 282 DN đang hoạt động hoặc có chức năng XKLĐ, trong đó có 44 DN hoạt động kém hiệu quả từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí lừa đảo, “đem con bỏ chợ” với người lao động, “cò” môi giới và trục lợi vẫn là một thực tế buồn dẫu Việt Nam đã có lịch sử gần 40 năm XKLĐ.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng rõ ràng không thể bỏ qua vai trò của bộ chủ quản khi công tác quản lý, công khai, minh bạch thông tin còn nhiều lỗ hổng. Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ- TB&XH - thừa nhận, nhân sự công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực này trong những năm qua tương đối mỏng.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH - đã khẳng định quan điểm là tạo mọi điều kiện để DN có chức năng XKLĐ được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng phải xử lý thật nghiêm các DN vi phạm, kể cả thu hồi giấy phép, để tạo sự bình đẳng cho các DN. Cam kết mạnh tay đó của lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH đã được cụ thể hóa với việc cuối tháng 3/2017, Bộ này đã quyết định xử phạt 4 DN XKLĐ với số tiền gần 900 triệu đồng, trong đó DN bị phạt nặng nhất là 462 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng với các lỗi: Thực hiện không đầy đủ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; không báo cáo định kỳ về hoạt động XKLĐ theo luật định, không trực tiếp tuyển chọn lao động, lợi dụng hoạt động XKLĐ để tổ chức tuyển chọn lao động.
Được biết, đây mới chỉ là đợt thanh tra đầu tiên trong năm 2017 của Bộ LĐ - TB&XH. Trong năm nay, Bộ này sẽ thanh tra khoảng 15 DN về XKLĐ nhằm tạo sự răn đe cần thiết.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là các nỗ lực bước đầu nhằm khắc phục triệt để các tiêu cực tồn tại lâu nay trong lĩnh vực XKLĐ. Để các chính sách XKLĐ của nhà nước phát huy tác dụng, đặc biệt là “thấm” đến các đối tượng được ưu tiên vẫn còn nhiều việc phải làm, kể cả việc cần có một tầm nhìn, tư duy khác về vai trò của hoạt động XKLĐ chứ không chỉ mãi là “xóa đói giảm nghèo” như bấy lâu nay.