Taxi "nằm dài" chờ khách
Chưa kịp phục hồi sau 3 lần dịch, lần tái bùng phát dịch thứ 4 này đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải “sống dở chết dở”. Trong đó, hàng loạt hãng taxi “than trời” vì ế ẩm, vắng khách. Anh Hà Vịnh Long, tài xế taxi Bắc Á tại Hà Nội cho biết: Từ khi lần dịch bùng phát cuối tháng 4, anh em gần như “nằm chờ”. Một tuần trở lại đây thì gần như cả ngày chỉ 1-2 khách. Nếu so với những tháng chưa có dịch, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 400-500 nghìn, thì nay cả ngày chỉ được 100 nghìn, còn không đủ tiền xăng xe đi lại.
Cùng cảnh, anh Phan Văn Phương – tài xế Taxi Mai Linh tại Hà Hội cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh Phương cho biết, không chỉ thu nhập bị giảm đi nhiều, nỗi lo không kém của anh chính là phòng dịch. Anh Phương lo sợ vì phải chở khách lạ, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, anh thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không nhận chở khách tới những khu vực có ca nhiễm.
“Hiện tại, tôi chỉ mong được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, bởi tài xế taxi cũng là những người thường xuyên tiếp xúc khách hàng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận nguồn vắc xin càng sớm càng tốt” – anh Phương cho biết.
Hàng loạt các doanh nghiệp taxi gần như tê liệt hoạt động khi lượng khách sụt giảm 80-90% |
Năm 2020 làm các doanh nghiệp vận tải lỗ nặng, chỉ có thể kỳ vọng vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng từ tết đến nay dịch lại bùng phát liên tục, kéo theo nhiều hệ lụy. Đại diện phía doanh nghiệp taxi, ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc taxi Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam bày tỏ: Hiện nay, riêng lượng khách của Vinasun tại TP.HCM giảm tới 60%. Một số nơi khác ở Hà Nội và Đà Nẵng có nơi còn cao hơn. Vinasun đang có trên 8.000 thành viên tài xế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
“Nguy hiểm nhất hiện nay là ngoài vắng khách, các anh em lái xe cũng bỏ xe, nghỉ việc bởi chạy xe không đủ tiền xăng. Đây là hệ lụy rất lớn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi xác định năm nay, tiếp tục lỗ lũy kế. Hiện khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp rất ít. Hàng nghìn tài xế nhượng quyền thương mại, đến chu kỳ tái ký hầu như anh em chần chừ, ngần ngại. Hàng trăm tài xế cũng đang lấy lý do để xin hủy hợp đồng” – ông Hỷ thông tin thêm.
Chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp taxi đang phải đối mặt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện các doanh nghiệp taxi chỉ duy trì hoạt động 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Đơn cử như Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc, doanh thu giảm tới 60%. Người lao động cũng bị giảm thu nhập nghiêm trọng.
Theo ông Hùng, từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải trình rất nhiều giấy tờ như chứng minh đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc.
“Với các điều kiện trên, doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản. Thực tế đến thời điểm này, gần như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước. Chủ trương là ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương, nhưng yêu cầu lại phải có tài sản thế chấp, với doanh nghiệp vận tải, tài sản thế chấp chủ yếu là ô tô, nhưng xe đã cũ nên ngân hàng định giá rất thấp. Kết quả là doanh nghiệp không tiếp cận nổi nguồn hỗ trợ” – ông Hùng nhấn mạnh.
Cần giải pháp hỗ trợ thiết thực
Cũng theo ông Hùng, hiện các doanh nghiệp vận tải mà điển hình là các doanh nghiệp taxi đang hết sức khó khăn. Vừa qua, ngân hàng nhà nước đã đồng ý giao cho các ngân hàng hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được. Tất cả các chi phí vẫn phải gánh, trong khi doanh thu thì sụt giảm đến 80%, phương tiện ngừng hoạt động. Nếu không có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, nhiều doanh nghiệp khó mà vực lại.
Để “gỡ khó” giúp các doanh nghiệp taxi, mới đây trong công văn gửi Thủ tướng, các hiệp hội taxi tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã khẩn thiết kiến nghị tới Chính phủ cùng các bộ ngành chức năng triển khai một số giải pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các doanh nghiệp vận tải trải qua khó khăn hiện nay và sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trong nội dung kiến nghị, các hiệp hội taxi cho biết, dịch Covid-19 đã trở lại tại nhiều tỉnh thành, lượng khách sụt giảm 80-90%, nhiều doanh nghiệp đã gần như tê liệt hoạt động, hiệp hội mong muốn Chính phủ chấp thuận giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong 6 tháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cùng với đó giảm 50% lệ phí trước bạ cho các ô tô mới đăng ký với mục đích kinh doanh vận tải. Hiệp hội cũng đề xuất doanh ngiệp cũng được nhận các giải pháp hỗ trợ về vốn trong bối cảnh kinh doanh không khả quan, cụ thể giảm 3-5% lãi suất cho vay, sắp xếp lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để các doanh nghiệp có thêm vốn lưu động phục hồi hoạt động kinh doanh.
Đối với phí bảo trì đường bộ, hiệp hội cũng mong muốn cho doanh nghiệp vận kinh doanh tải chậm đóng đến tháng 12/2021 và điều chỉnh tăng chu kỳ đăng kiểm ô tô kinh doanh vận tải. Đặc biệt, hiệp hội taxi ba miền đề xuất đóng phí bảo hiểm xã hội, mong muốn được miễn trừ việc đóng bảo hiểm xã hội cho đến hết năm 2021. Những doanh nghiệp nào còn nợ khoản này thì sẽ được giảm nộp số nợ đến ngày 31/12/2021 mà không tính lãi chậm nộp.
Về vấn đề này, theo ông Hùng, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, điều cơ bản chính sách cần đi sát, thấu hiểu doanh nghiệp đang cần gì. Cụ thể như, đối với khoản chi thực tế mà doanh nghiệp đang phải gồng mình lên đó là đăng kiểm, kiểm định xe cơ giới. Thời hạn kiểm định xe cơ giới áp dụng cho xe taxi quá khắt khe, và còn nhiều chi phí tốn kém khác. Do đó, các hiệp hội mong mỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp, các chính sách thiết thực hơn để hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn của đại dịch.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện Bộ đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng. Theo đó, với doanh nghiệp vận tải, kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021. Kéo dài giảm 30% phí bảo trì đường bộ với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhất trí kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập với doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng do dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021. |