Lạng Sơn: Xử phạt 4 hộ kinh doanh nhu yếu phẩm vi phạm về giá Xử lý nghiêm hành vi “đội giá” lương thực, thực phẩm trong mùa dịch Covid-19 |
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng đã xuất hiện những ca nhiễm virut Covid-19 mới.
Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh |
Qua công tác nắm bắt tình hình thị trường, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có hiện tượng người dân tập trung để mua thực phẩm dự trữ. Ngay trong ngày 7/3,Tổng cục QLTT đã có Công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, từ ngày 7/3, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân. Cục QLTT TP. Hà Nội đã yêu cầu các phòng, đội QLTT triển khai 100% quân số phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trong đó tập trung kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm: gạo, thịt, mỳ gói, dầu ăn…đồng thời tuyên truyền để người dân không hoang mang, ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Từ ngày 8/3, các siêu thị, cửa hàng đã nhập bổ sung và cam kết cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân, không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý trên địa bàn; hiện tượng người dân mua thực phẩm tích trữ đã giảm rõ rệt, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, từ ngày 7/3, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường nắm tình hình địa bàn, làm việc với Ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… về nguồn hàng, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi diễn biến phức tạp của dịch bệnh; thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh; tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Đồng thời chủ động tuyên truyền để người dân an tâm, không nên quá hoang mang, lo lắng và hạn chế mua hàng tích trữ.
Cũng theo báo cáo cập nhật công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng QLTT, từ 12h00 ngày 8/3 đến 12h00 ngày 9/3/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 51 cơ sở kinh doanh các trang thiết bị y tế. Như vậy, lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 9/3/2020, số vụ kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng QLTT: 5.918 vụ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.845.130.000 đồng.
Điển hình, ngày 7/3/2020, Đội QLTT số 14 kiểm tra Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hữu Nghị Asian, địa chỉ tại số 225/37 đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Tại đây đang chứa 112.500 chiếc khẩu trang hiệu HERO Face loại 3 lớp do Việt Nam sản xuất được chủ hàng gửi tại công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ và hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định. Đội lập biên bản tạm giữ số hàng trên để tiếp tục làm rõ.
Tại Đồng Nai, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 31/01 đến ngày 9/3/2020, Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã xử lý 43 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt: 267.491.000 đồng. Tịch thu 6.887 cái khẩu trang và 70 chai nước rửa tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chờ tiêu hủy theo quy định.
Mặc dù, các cơ sở kinh doanh trên cả nước cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.