Luật Điện lực (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. So với luật hiện hành, Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều chính sách mới đáng chú ý.
Ông Nguyễn Đình Thanh - Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Hóa chất Sơn Hà Nội |
Trong đó, có việc quy định về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Là doanh nghiệp sản xuất nên giá thành cũng như sử dụng ổn định nguồn điện rất quan trọng đối với Công ty CP Hóa chất Sơn Hà Nội. Việc sửa đổi Luật Điện lực lần này được thông qua sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án, công trình điện lực, bảo đảm an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về điện năng rất lớn và dự báo sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này không chỉ liên quan riêng đến lĩnh vực điện mà còn liên quan đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội… Một trong những thay đổi quan trọng trong Luật Điện lực sửa đổi là khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải và tăng tính cạnh tranh. Điều này góp phần giúp Việt Nam thực hiện được cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.
Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 3/12/2004; được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), sau gần 20 năm triển khai thi hành. Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |