Sau hành trình gần một năm đầy nỗ lực, chiều ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ đại biểu tán thành lên tới 91,65%. Thành công này đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, thể hiện sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời là minh chứng cho sự nỗ lực và tâm huyết của các cơ quan tham gia soạn thảo, trong đó Bộ Công Thương giữ vai trò chủ lực, dẫn dắt toàn bộ quá trình. |
Nhằm hiểu rõ hơn về hành trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) - một luật được đánh giá cao về tính hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực. Là người trực tiếp theo sát từng bước triển khai, Cục trưởng Trần Việt Hoà chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cũng như những câu chuyện đằng sau thành công của một trong những dự án luật quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội trong thời gian vừa qua. |
Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và được đánh giá là một trong những bộ luật có chất lượng hoàn thiện cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện trong bối cảnh mới. Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực đã đảm nhiệm vai trò quan trọng, từ định hướng, triển khai đến phối hợp thực hiện. Ông có thể chia sẻ những yếu tố then chốt đã góp phần xây dựng thành công bộ luật này? Sự thành công của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm chính trị cao của toàn bộ hệ thống chính trị mà đứng đầu là Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Qua quá trình xây dựng và hoàn thiện luật, chúng tôi nhận thấy: Đầu tiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã quán triệt sâu sắc và kịp thời bám sát các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới công tác lập pháp, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa đầy đủ trong trong Luật Điện lực (sửa đổi). Thứ hai, với đặc điểm của dự án Luật Điện lực (sửa đổi) là một Luật với phạm vi tác động rất rộng nhưng lại có tính chuyên ngành, chuyên môn rất sâu, thời gian soạn thảo ngắn, tiến độ khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời phải giải quyết được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đáp ứng điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, ngay từ giai đoạn chuẩn bị và định hướng cho dự án Luật, Lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên đã xác định đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi) phải có phương pháp tiếp cận và triển khai sáng tạo, đột phá nhưng đồng thời phải có kế hoạch chi tiết, khoa học, chính xác. |
|
Xuất phát từ định hướng trên, Lãnh đạo Bộ và cơ quan đầu mối đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao và khoa học từ khâu ban hành kế hoạch soạn thảo cụ thể, rõ ràng các bước; chú trọng phân công đúng người, đúng việc, phát huy được trí tuệ và sức mạnh tập thể của các thành viên trong Ban soạn thảo, tổ biên tập. 47 thành viên Ban soạn thảo và 136 thành viên của Tổ biên tập là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm đến từ các cơ quan, tổ chức liên quan được chia thành các nhóm tương ứng với các nhóm chính sách lớn để soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý. Có thể nói với số lượng Ban soạn thảo, Tổ biên tập đông đảo và bao trùm tương đối đầy đủ các lĩnh vực chuyên ngành của ngành điện, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế kết hợp với sự phân công, tổ chức khoa học là một trong những giải pháp hữu ích để triển khai xây dựng nội dung dự án Luật đảm bảo chất lượng, có tính khả thi và đảm bảo tiến độ đã đề ra. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án Luật, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thẩm định, thẩm tra (từ Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đến các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách…) để lắng nghe, tiếp cận với góc nhìn đa chiều và tăng cường phản biện để nội dung dự án Luật được hoàn thiện hợp lý và có tính khả thi nhất. |
Để xây dựng một bộ luật có phạm vi tác động lớn như Luật Điện lực (sửa đổi), công tác tiếp thu ý kiến và truyền thông chính sách luôn đóng vai trò quan trọng. Ông có thể chia sẻ cách Cục Điều tiết Điện lực đã tổ chức các hoạt động này nhằm đảm bảo sự đồng thuận và tính khả thi của dự thảo luật? Quá trình lấy ý kiến luôn được Lãnh đạo Bộ/Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực quan tâm, chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục ở nhiều bước như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Công Thương, gửi văn bản để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Ngay cả đến giai đoạn trình dự án luật lên Quốc hội, dự án Luật vẫn được Bộ Công Thương quan tâm tổ chức lấy ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học bằng hình thức tổ chức hội thảo, tọa đàm. Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, Bộ Công Thương/Cục Điều tiết Điện lực đã thực hiện tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý để nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật. Song song với việc lấy ý kiến thông qua các Hội thảo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã triển khai nhiều nghiên cứu, hội nghị chuyên đề để bổ sung các thông tin, luận cứ phục vụ cho việc giải trình, tiếp thu và hoàn thiện các dự thảo theo từng giai đoạn của tiến trình xây dựng Luật. Với nhận thức sâu sắc Luật Điện lực có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, do vậy Lãnh đạo Bộ Công Thương/Cục Điều tiết Điện lực luôn chú trọng đến công tác truyền thông chính sách. Thông qua các kênh truyền thông lớn như báo hình, báo viết của cơ quan Quốc hội, Chính phủ và của Bộ Công Thương, các chính sách mới của dự án luật đã được lan tỏa, qua đó các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó, sự tận tâm, trách nhiệm và tích cực của đội ngũ công chức thuộc các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương, trong đó có Cục Điều tiết Điện lực đã đóng góp quan trọng vào thành công của dự án luật. Với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm kinh nghiệm và được phân công hợp lý, đội ngũ công chức của Cục đã phối hợp nhịp nhàng để hồ sơ xây dựng dự án luật đạt chất lượng tốt nhất có thể. Có thể nói rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay, Bộ Công Thương nói chung và Cục Điều tiết Điện lực nói riêng đã quán triệt rất tốt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, huy động rất tốt mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ, huy động sức mạnh trí tuệ tập thể và sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Không thể không nhắc đến sự lãnh đạo đầy quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục và sự quyết tâm cao độ của các cán bộ, công chức đã góp phần tạo nên thành tựu ngày hôm nay. Xin cảm ơn ông! |
Với nhận thức sâu sắc, Luật Điện lực có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, do vậy Lãnh đạo Bộ Công Thương/Cục Điều tiết Điện lực luôn chú trọng đến công tác truyền thông chính sách. Thông qua các kênh truyền thông lớn như báo hình, báo viết của cơ quan Quốc hội, Chính phủ và của Bộ Công Thương, các chính sách mới của dự án luật đã được lan tỏa, qua đó các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. |
Thế Duy Đồ họa: Ngọc Lan |