Việt Nam vừa chứng kiến một bước ngoặt quan trọng trong chính sách năng lượng với việc thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào chiều 30/11, với 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.
Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đó, Luật Điện lực năm 2024 thay thế Luật Điện lực ngày 3/12/2004; được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) sau gần 20 năm triển khai thi hành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quốc hội |
Ngay lập tức, sự kiện này đã thu hút sự chú ý đáng kể từ báo chí quốc tế, với các bài báo từ Reuters, Devdiscourse, Tribune và Canberra Times đều thể hiện góc nhìn tích cực, tập trung vào những cải cách mang tính đột phá của luật mới. Mặc dù mỗi bài báo có trọng tâm khác nhau, nhưng nhìn chung, đều cho thấy tác động tích cực của luật này đối với tương lai năng lượng của Việt Nam.
Điểm chung xuyên suốt các bài báo là đều cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ gỡ bỏ rào cản đầu tư vào ngành năng lượng. Reuters, Tribune, và Canberra Times đều nhấn mạnh vào việc đẩy nhanh quá trình phê duyệt các thỏa thuận mua bán điện (PPA), tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đàm phán trực tiếp với các nhà cung cấp điện. Điều này được xem là chìa khóa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam.
Cụ thể, trang Reuters có tít bài “Việt Nam phê duyệt dữ liệu, luật điện, kế hoạch đường sắt trị giá 67 tỷ USD”, nêu: “Luật Điện lực dự kiến sẽ gỡ bỏ một số rào cản đối với việc đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam và đẩy nhanh quá trình phê duyệt các thỏa thuận mua điện trực tiếp, cho phép các nhà sản xuất đàm phán nguồn cung cấp điện trực tiếp với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo. Biện pháp này nhằm mục đích tạo ra một hệ thống pháp lý toàn diện hơn cho lĩnh vực năng lượng, hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định riêng biệt”.
Bài viết có nội dung về Luật Điện lực (sửa đổi) mới được thông qua của Việt Nam trên tờ Reuters. Ảnh chụp màn hình |
Ngoài ra, các bài báo cũng đánh giá cao nỗ lực tạo ra một khung pháp lý bao quát hơn. Tờ Devdiscourse đặc biệt nhấn mạnh vào việc luật mới sẽ thống nhất các quy định phân mảnh, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả hơn. Đây là một điểm được cả Reuters và Tribune đồng tình khi họ đề cập đến việc thay thế hệ thống nhiều quy định riêng lẻ bằng một hệ thống pháp lý toàn diện hơn.
Tuy nhiên, các bài báo cũng nêu bật thách thức cần giải quyết trong tương lai. Cả Reuters và Canberra Times đều đề cập đến việc cần ban hành các văn bản lập pháp bổ sung để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực năng lượng cụ thể như năng lượng ngoài khơi, năng lượng gió và năng lượng hạt nhân.
Bài viết về Luật Điện lực (sửa đổi) của Việt Nam trên tờ Canberra Times. Ảnh chụp màn hình |
“Các văn bản lập pháp bổ sung sẽ cần được phê duyệt để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực năng lượng cụ thể như năng lượng ngoài khơi, năng lượng gió và năng lượng hạt nhân”, Canberra Times nhấn mạnh.
Từ nội dung của các bài báo cho thấy, báo chí quốc tế nhìn nhận Luật Điện lực (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hiện đại hóa ngành điện, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững. Tuy nhiên, thành công của luật này phụ thuộc vào việc thực thi hiệu quả và sự hoàn thiện liên tục của khung pháp lý trong thời gian tới. Việc các tờ báo uy tín quốc tế đều dành sự quan tâm và đánh giá tích cực cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc hội nhập quốc tế và cam kết với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững.