Ngày 30/11, Luật Điện lực (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao, đáp ứng mong muốn của nhiều đại biểu, cử tri cả nước. Báo Công Thương xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong suốt Kỳ họp thứ 8.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn Bắc Giang: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc của nhiều dự án
Luật Điện lực (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 cùng với dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của các luật: Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Quy hoạch được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc của nhiều dự án đã tồn tại từ những năm trước cho đến thu hút các dự án đầu tư mới mà nhiều nhà đầu tư còn chờ “Luật” để có quyết định đầu tư.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh- Đoàn Bắc Giang. Ảnh: QH |
Nói về tính cấp bách cần sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay, các nội dung Chính phủ trình sửa đổi Luật Điện lực cùng với dự thảo của 4 Luật được đặt ra tại Kỳ họp thứ 8 đều rất cấp thiết, liên quan trực tiếp đến những vấn đề quan trọng, cấp bách.
Trước hết về chiến lược, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng của đất nước với trọng tâm là Luật Điện lực sửa đổi.
Nếu những vướng mắc trong Luật Điện lực chậm được sửa đổi, bổ sung thì nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước ngày càng khó khăn; cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng cũng như đa dạng dòng vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ có thể bị mất đi. Việc phát triển năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới giảm phát thải cũng sẽ bị hạn chế.
Về thể chế hoá chủ trương của Đảng, đại biểu cho biết, Hội nghị Trung ương 10 đã kết luận công tác xây dựng pháp luật cần được thực hiện kịp thời, tư duy xây dựng pháp luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, huy động nguồn lực đầu tư và giải phóng tối đa nguồn lực trong xã hội. Chính phủ trình Quốc hội thông qua các dự án luật sửa đổi bổ sung tại kỳ họp này đã thể hiện tinh thần kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần thứ 10. Điều này cho thấy chủ trương của Đảng về công tác xây dựng thể chế đã nhanh chóng được triển khai và đi vào cuộc sống.
“Vì vậy, cá nhân tôi ủng hộ việc Quốc hội xem xét và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) và 4 luật liên quan. Đây là những vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết phải ban hành ngay”- đại biểu Phạm Văn Thịnh khẳng định.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý.
Theo đại biểu, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh:QH |
Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Chính sách đã rõ ràng, đừng để tương lai thiếu điện.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, từ thực tế của Bến Tre là địa phương phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nên tôi rất ủng hộ Luật Điện lực (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp này.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thu Hường |
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã tập trung vào những khó khăn của ngành điện, qua đó khơi thông nguồn lực của xã hội, nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Đơn cử như lĩnh vực năng lượng mới, có rất nhiều dự án chúng ta đã thu hút khá thành công các nhà đầu tư, tuy nhiên cơ chế chính sách như thế nào? quy trình thủ tục ra sao? thì chúng ta còn nhiều khó khăn, sửa đổi Luật Điện lực lần này tôi thấy cơ chế chính sách cho phát triển ngành năng lượng mới đã bám sát mục tiêu và cam kết của Chính phủ Việt Nam là hướng tới Net – Zero vào năm 2050, qua đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, giúp nền kinh tế tăng trưởng xanh.
Trước nhu cầu điện năng cao của nền kinh tế, đại biểu khẳng định, chính sách đã rất rõ ràng, điện lực là một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta phải hỗ trợ để ngành điện phát triển bền vững, nếu không tương lai thiếu điện cho phát triển đất nước là hiện hữu, những ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ lỡ mục tiêu.
“Chúng tôi đã thảo luận tại tổ, các đại biểu đồng thuận với Luật Điện lực (sửa đổi) rất cao, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư cho năng lượng mới, năng lượng tái tạo”- đại biểu Nguyễn Trúc Sơn khẳng định.
Theo đại biểu, hiện nay Bến Tre có nhiều dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII về năng lượng tái tạo, thời gian qua Bến Tre đã triển khai được khoảng hơn 30% danh mục các dự án nằm trong quy hoạch chung, qua đó đã phát huy hiệu quả kinh tế rất cao cho địa phương. Các dự án khi đi vào hoạt động không chỉ cung cấp thêm cho điện lưới quốc gia mà còn có thêm nguồn thu từ truyền tải điện, các doanh nghiệp có doanh thu, địa phương có thêm nguồn thu ngân sách
Bên cạnh điện phục vụ sản xuất công nghiệp, Bến Tre cũng là địa phương có thế mạnh trong phát triển nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao với trên 5.000 ha nuôi tôm công nghệ cao. Do vậy, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế không chỉ quan trọng với địa phương chúng tôi mà còn cả những nhà đầu tư khác và những ngành kinh tế khác. Những gì nút thắt của ngành điện chúng ta cùng phải hợp lực để tháo gỡ, để huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển, đừng để lỡ cơ hội và thiếu điện cho tương lai.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng: Luật đã đáp ứng được mong muốn của cử tri và ngành điện.
Từ thực tiễn phát triển các dự án điện lực trong thời gian qua của tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ với phóng viên vào sáng ngày 1/11/2024 bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng - cho biết: Chúng tôi mong muốn Luật Điện lực sửa đổi lần này sớm được thông qua.
Đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội. Ảnh: HT |
Tôi đã đi khảo sát ở nhiều quốc gia, vai trò của ngành điện vô cùng quan trọng, ở Việt Nam điện đến tận trung tâm xã, thôn/bản. Không có đất nước nào như Việt Nam, chúng ta đã có mạng lưới điện quốc gia đến tận vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... đó là niềm tự hào của ngành điện Việt Nam với đường lối chủ trương chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Đó còn chưa kể đến, là doanh nghiệp, nhưng EVN vẫn phải thực hiện công tác an sinh xã hội để miền núi kịp với miền xuôi thông qua hạ tầng cơ sở, điện đến từng thôn/bản. Ở Lâm Đồng, điện lưới 3 pha đã đến tận các thôn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đó là điều làm chúng tôi tự hào.
Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ, đầu tư cho một trạm điện rất tốn kém, nhưng một tháng chúng ta thử hỏi thu được bao nhiêu tiền điện ở vùng sâu vùng xa, do đó ngành điện bên cạnh nhiệm vụ chính trị còn có đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Luật Điện lực sửa đổi lần này được thông qua, trong đó có nhiều câu chuyện về xã hội hóa, trong đó Luật đã phát huy các nhà máy phát điện ở thế hệ mới trong tương lai, để điện đáp ứng đủ nhu cầu kinh tế nhưng có giá thành thấp hơn, đảm bảo xanh, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn đó là mong muốn của dự án Luật lần này.
“Tôi cho rằng, Luật lần này đã đáp ứng được phần lớn những mong muốn của cử tri và ngành điện”- đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Cử tri mong muốn sử dụng điện nhiều ở nhiều địa bàn, môi trường, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở giá tốt nhất. Còn ngành điện mong muốn sản xuất điện có hiệu quả, truyền tải điện có hiệu quả, nó cần phải hài hòa giữa nhà nước- doanh nghiệp- nhân dân.
Luật sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay là thủ tục các dự án để đảm bảo nhà đầu tư đến tốt nhất, thủ tục gọn nhất, vận hành, mua bán bình đẳng giữa các chủ thể và Luật Điện lực (sửa đổi) đang công khai điều đó.
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu: Luật đã phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ và địa phương
Là một cử tri đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu (tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thị trường điện Úc), trước khi quay trở về Úc đã tham gia góp ý Luật Điện lực (sửa đổi) vào cuối tháng 10/2025, ông cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được ban hành sẽ kịp thời hỗ trợ cho phát triển điện lực, kinh tế - xã hội.
TS. Thái Doãn Hoàng Cầu. Ảnh: QH |
Theo TS. Hoàng Cầu, bản dự luật trình Quốc hội đáp ứng các mục đích, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật đã đề ra. Dự luật có tính toàn diện, đồng bộ và liên thông với các luật liên quan và phản ánh các ý kiến góp ý đa chiều hợp lý cần có.
“Là một chuyên gia độc lập, tôi có quan sát, trải nghiệm tích cực và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự luật, Cục Điều tiết Điện lực và các đơn vị khác trong quy trình tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của quần chúng, các cơ quan, tổ chức hữu quan”- TS. Hoàng Cầu cho hay.
Tất nhiên, dự luật có thể còn chưa hoàn hảo, chưa lường trước mọi yêu cầu thực tiễn phát sinh trong tương lai, hay chưa hoàn toàn đáp ứng mọi yêu cầu, góc nhìn đa chiều, lợi ích khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn, các mục tiêu, chính sách lớn như phát triển điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, các cơ chế hoạt động mua bán điện có thể chưa có những quy định cụ thể như mong muốn trong bản dự luật lần này vì đây là những lĩnh vực mới, còn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, cũng như đồng bộ với các bộ luật liên quan khác.
Dù vậy, một trong những điểm tiến bộ nổi bật của dự luật lần này là phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện. Các văn bản có tính pháp lý bổ trợ cho Luật Điện lực này sẽ được cập nhật, thay đổi linh hoạt, thường xuyên hơn nhằm đáp ứng các thay đổi nhanh về công nghệ, nhu cầu điện năng, phát triển kinh tế cũng như thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường điện, hệ thống điện tương ứng. Nhờ đó, tăng tính khả thi và ổn định của dự luật trước những thay đổi của thực tiễn.
“Dự luật cần sớm được Quốc hội thông qua và ban hành để Luật Điện lực mới sớm hỗ trợ phát triển điện lực, kinh tế - xã hội Việt Nam”- TS. Hoàng Cầu bày tỏ ý kiến.
TS. Hoàng Cầu cũng lưu ý, với sản lượng điện thương phẩm trên 250 tỷ kWh/năm (2023), hệ thống điện Việt Nam hiện có quy mô rất lớn, đứng thứ hai Đông Nam Á (sau hoặc tương đồng với Indonesia) và trong tốp 25 trên thế giới. Quy hoạch điện VIII dự báo tăng trưởng điện lực của Việt Nam rất cao, gần gấp đôi và gấp năm lần nhu cầu năm 2023, tương ứng vào các năm 2030 và 2050 để đáp ứng dự báo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tổng dự toán đầu tư nguồn và lưới điện rất lớn, gần 135 tỷ đôla cho giai đoạn 2021-2030, và 399-523 tỷ đôla cho giai đoạn 2031-2050.