Lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng: Làm gì để tránh mắc bẫy?
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực diễn ra mới đây. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng chiếm đoạt tiền của 10 người với số tiền hơn 740 triệu đồng.
Nhu cầu người đi xuất khẩu lao động gia tăng (Ảnh: Cục An toàn thông tin) |
Cụ thể, lợi dụng nhu cầu đi lao động nước ngoài, du lịch Hàn Quốc của người dân, đối tượng lừa đảo đã tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc).
Đối tượng đã tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo khác nhau rồi chủ động tham gia vào các hội nhóm để tìm kiếm những người dùng có nhu cầu mua vé máy bay và xin visa đi nước ngoài. Bằng tin nhắn, đối tượng chào mời những người có nhu cầu và hứa hẹn sẽ xin được visa trong thời gian rất ngắn hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình làm visa của một bộ phận người dân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin không cần thiết, hay yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng.
Ngoài ra, để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, đối tượng còn truy cập vào website bán vé máy bay, nhập thông tin cá nhân của nạn nhân để đăng ký mua vé và chụp lại hình ảnh gửi cho nạn nhân để tạo niềm tin.
Trước tình trạng đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần kiểm tra tính xác thực và thông tin của đối tượng, công ty dịch vụ mà mình liên hệ; không truy cập vào những đường link lạ; chủ động tìm kiếm và truy cập vào website cơ quan lãnh sự, đại sứ quán hoặc các tổ chức chính thức để tìm hiểu quy trình làm visa; không tin vào các dịch vụ hứa hẹn cấp visa nhanh.
"Trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cáo về dịch vụ, website nghi ngờ cho cơ quan chức năng để giúp ngăn chặn hành vi lừa đảo" - Cục An toàn thông tin nêu.
Thực tế, thời gian qua, lợi dụng nhu cầu của người đi xuất khẩu lao động gia tăng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, đi dễ, làm visa bao đậu... để lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, nhiều chương trình ưu đãi với chi phí làm visa chỉ bằng một nửa so với công ty uy tín khiến nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo luôn đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn nhanh chóng, đơn giản thủ tục để dẫn dụ người lao động. Chúng cũng thường xuyên nhắn tin tương tác nhằm tạo uy tín về chất lượng dịch vụ, cắt ghép hình ảnh, video thể hiện sự chuyên nghiệp hòng tạo niềm tin.
Để tránh bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động, các chuyên gia lưu ý, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu thông tin có liên quan.
Tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, trang facebook, zalo không chính thống và không giao dịch liên hệ với các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động có nhu cầu đi nước ngoài làm việc cần tỉnh táo và cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Nếu chọn dịch vụ xuất khẩu lao động phải đến văn phòng công ty để xác minh, xem kỹ giấy phép hoạt động, nếu có chuyển tiền thì chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp dịch vụ, tuyệt đối không chuyển đến tài khoản cá nhân.