Giảm nghèo đa chiều còn nhiều thách thức Gắn chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới |
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai với 6 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình. Các dự án này đang được triển khai đến các địa phương.
Theo bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh có điểm khác so với giai đoạn trước. Từ giảm nghèo theo diện rộng chuyển sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu với 3 điểm cốt lõi. Cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào vùng lõi nghèo, đầu tư vào con người, nâng cao năng lực con người; chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ từng hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với từng địa phương; hỗ trợ người nghèo các vấn đề quan trọng như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm...
Long An tập trung giảm nghèo theo chiều sâu |
Trên cơ sở các điểm cốt lõi, các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về giảm nghèo bền vững; huy động tối đa các nguồn lực gắn với thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo.
Giảm nghèo bền vững là công tác được các cấp, các ngành của tỉnh Long An tích cực phối hợp thực hiện trong những năm qua, nhiều mô hình hay đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đơn cử, tại huyện Bến Lức, sau 2 năm, đã có 15 mô hình giảm nghèo bền vững được thực hiện với tổng kinh phí 377 triệu đồng, góp phần hỗ trợ 38 hộ thoát nghèo. Các mô hình tiêu biểu như: Xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ bò sinh sản; hỗ trợ vốn sản xuất, giới thiệu việc làm giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững; hỗ trợ vốn sản xuất và tiền khám chữa bệnh nan y cho hộ nghèo… Các mô hình này hiện vẫn đang được nhân rộng góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương.
Huyện Cần Giuộc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xã Phước Lâm đã thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế như hệ thống tưới tiết kiệm trên cây rau cho 23 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ 12 con dê giống cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Hay tại huyện Châu Thành, công tác giảm nghèo đã được thực hiện với đa dạng hình thức, như: Ưu đãi tín dụng, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, miễn, giảm học phí… Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 2 xã Phú Hòa và Dương Xuân Hội đã xóa trắng hộ nghèo.
Từ những mô hình hay, cách làm tốt, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Long An đã giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê, từ năm 2016-2020, địa phương đã giảm 2,51% tỷ lệ hộ nghèo, bình quân, mỗi năm giảm được 0,63%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,03% xuống còn 1,52%.
Với những kết quả đạt được, Long An có nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, bình quân mỗi năm giảm 10% tổng số hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Long An cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu này, như: Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Ngoài ra, địa phương sử dụng kịp thời, hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và bố trí thêm nguồn vốn địa phương để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng mô hình giảm nghèo của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua các phong trào, cuộc vận động Tháng hành động vì người nghèo, chung tay ủng hộ quỹ vì người nghèo. Huy động thêm sự đóng góp của người dân thực hiện các mô hình giảm nghèo…