Loay hoay gỡ thẻ vàng IUU
Xuất khẩu giảm mạnh
Tại hội nghị “Đánh giá 2 năm thực hiện chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” ngày 25/9, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP - cho biết: Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng của năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng xuất khẩu qua EU đã tụt xuống đứng thứ 5.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP phát biểu tại hội nghị |
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận, chi phí sản phẩm đội lên và thời gian xuất khẩu bị kéo dài. Đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) cho biết, do tác động của thẻ vàng IUU, xuất khẩu của công ty đã sụt giảm. Song điều đáng lo hơn là từ khi EC áp dụng thẻ vàng thì thời gian cấp giấy chứng nhận hải sản khai thác hợp pháp đã bị kéo dài hơn dẫn tới các khoản chi phí khác phát sinh. “Tôi cho rằng trong hoạt động sắp tới Ban điều hành IUU cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân, làng chài hiểu được những tác động từ IUU và tuân thủ tốt hơn”, vị này đề xuất. Mấu chốt phải làm sao tuyên truyền, đẩy mạnh tới các bến cảng, làng chài, ngư dân…
Tỏ ra lo lắng vì là doanh nghiệp làm cá biển 100%, bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định - cho hay, trong cơ cấu xuất khẩu của công ty thì thị trường EU chiếm tỷ trọng 60% nên khi có IUU việc duy trì sản xuất cho 2 nhà máy với gần 1.000 lao động của công ty rất khó khăn. Nếu như trước đây xuất khẩu qua EU đạt khoảng 40 triệu USD thì nay giảm chỉ còn 30 triệu USD và buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa mặt hàng, chuyển hướng qua các thị trường khác như Mỹ. “Trước đây mọi thủ tục kiểm tra tự động, nay có IUU tần suất kiểm tra tăng 80%, có lô hàng kéo dài tới 20 ngày khiến nhiều chi phí khác phát sinh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.
Các tàu cá phải tuân thủ khai thác hợp pháp để gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh minh họa |
Tương tự, ông Ngô Viết Hoài - Phó Giám đốc Công ty XNK Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu (BASEFOOD) - cũng khẳng định: Việc xuất khẩu sang EU của doanh nghiệp này đã ngưng trệ kể từ khi IUU được đưa ra cho hải sản Việt Nam. Nguyên nhân được ông Hoài cho biết là do gần 100% sản phẩm của công ty là chế biến từ đánh bắt và không làm được các giấy tờ liên quan.
Theo các doanh nghiệp, hiện công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khải - Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan (Bình Định) - chia sẻ, việc xác định thông tin vị trí hoạt động của các tàu đánh bắt cá hiện vẫn còn khó khăn do có tàu không bật hệ thống giám sát hành trình. Ngoài ra, theo quy định cảng cá phải kiểm tra kiểm soát số lượng tàu cá đánh bắt hải sản song điều này sẽ khó khi áp dụng với các tàu gần bờ hoặc đánh bắt lậu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thu mua hết, kể cả với những hải sản không đủ giấy tờ…
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP nêu những định hướng sắp tới của VASEP trong công tác phối hợp tháo gỡ thẻ vàng |
Quyết liệt gỡ thẻ vàng
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP, nhận thức rõ ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam, ngày 25/9/2017, Ủy ban Hải sản VASEP (VMPC) và các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu hải sản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Hải sản Cam kết Chống Khai thác IUU”. Hội nghị đã ra mắt Ban Điều hành IUU, tuyên bố cam kết chống khai thác IUU của 62 doanh nghiệp và thông qua kế hoạch hành động của chương trình.
Qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình: đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Ông Nam cho biết, trong thời gian tới, các nhóm hoạt động chính của Chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn. Cụ thể là thực hiện nghiêm túc cam kết và các quy định chống khai thác IUU, góp ý, kiến nghị cho các văn bản pháp lý, phản ánh và kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu hải sản sang EU; tăng cường hợp tác với các bên trong chuỗi cung ứng hải sản và đẩy mạnh quan hệ quốc tế, tích cực truyền thông trên các kênh thông tin của VASEP và truyền thông đại chúng.
Trước mắt, để tiếp tục triển khai các hành động khắc phục thẻ vàng của EC, theo kế hoạch dự kiến đến tháng 11/2019, DG-MARE sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại những khắc phục của Việt Nam về vấn đề thẻ vàng. Căn cứ theo đó, VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét sửa đổi một số nội dung còn bất cập tại Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNTvề kiểm dịch thủy sản. Đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét, tiếp thu các góp ý của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp về danh sách cảng biển chỉ định cho nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản để sản xuất xuất khẩu, sớm trình Bộ Nông nghiệp phê duyệt…
Về phía Ban quản lý cảng cá, VASEP cho rằng phải có cơ chế và nâng cấp số lượng, năng lực, đơn vị để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Thủy sản cũng như kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến để đảm bảo các tàu cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu. Đặc biệt phải kiên quyết từ chối cho bốc dỡ sản phẩm đối với các tàu cá khai thác trái phép có trong danh sách tàu IUU.
Ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục NAFIQAD nêu ý kiến: Để việc gỡ thẻ vàng được thuận lợi, cần có chương trình quản lý nguồn gốc hải sản khai thác mà ở đó các bên đều dễ dàng truy cập để minh bạch thông tin. |