Nợ công đã tăng gần gấp đôi sau 6 năm |
Nợ tăng gần gấp đôi
sau 6 nămTrong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Nợ công của Việt Nam được tập trung cho đầu tư phát triển. Tính đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5% trong giới hạn an toàn theo quy định.Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 vừa tổ chức, phái đoàn thường trú ADB tại Việt Nam (VRM) đã đưa ra bản báo cáo về cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho Việt Nam với một số lo ngại về nợ công. Theo các chuyên gia của ADB, vào thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng nợ công ngày càng tăng. Nợ công và các khoản nợ do nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực.
Trước đó, vào đầu tháng 12, trong buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra nhận xét: “Tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần 65% GDP. Hiện nay các nhà tài trợ đang dần rút vốn khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài cũng giảm theo. Vì vậy, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng yêu cầu chi tiêu”. Các báo cáo về nợ công Việt Nam của các định chế tài chính nước ngoài đều phân tích, tăng nợ công kéo theo chi thường xuyên, cao hơn cùng thời kỳ, trong khi nguồn vốn chi đầu tư hầu như không thay đổi và tính theo tỷ lệ GDP. Vì thế, theo ADB, nếu duy trì quỹ đạo chính sách hiện tại sẽ dẫn đến nợ công cao hơn, kể cả khi tiếp tục kiềm chế chi tiêu (bao gồm cả chi đầu tư, dẫn tới làm giảm tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn) và thực hiện các biện pháp tăng thu tạm thời như chi trả cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước.
Cần giải pháp xử lý tích cực
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội, năm 2016, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách nhà nước ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015); nợ công đến ngày 31/12/2016, ước khoảng 63,2% GDP. Năm 2016 cũng là năm đầu áp dụng định mức chi đầu tư phát triển trung hạn cho giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Đầu tư công. Do vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ có báo cáo chi tiết về mức phân bổ vốn đầu tư phát triển của Trung ương và các địa phương theo cách tính mới, để có cơ sở xem xét quyết định dự toán ngân sách. Đồng thời, cần bố trí tăng chi cho việc duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông.
Ủy ban TCNS cho rằng, trước tình hình nợ công đã tiến dần đến giới hạn cho phép (65% GDP), áp lực trả nợ tăng nên Chính phủ cần có giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn. Cụ thể: Giải pháp trong dài hạn cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%; chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật NSNN năm 2015.Giám đốc ADB, ông Eric Sindgwick khuyến nghị: Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA sẵn có; nỗ lực phối hợp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhanh hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục đưa ra các tiêu chuẩn tài chính, kế toán, kinh doanh minh bạch và rõ ràng hơn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Ông Phạm Minh Đức- Chuyên gia của WB: Từ ngày 1/7/2017, Việt Nam phải đối mặt với việc trả nợ các khoản vay IDA (nguồn vốn vay chính thức từ WB). Theo đó, Việt Nam phải tăng tốc độ trả nợ vốn vay hàng chục tỷ USD. Để giải quyết nợ này, Việt Nam phải tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế, có khung kinh tế vĩ mô nhất quán, bền vững, từ đó tăng mức độ tín nhiệm lên. |