Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra, giới phân tích nhận định rằng, dù ứng viên nào chiến thắng cũng sẽ không tạo ra những thay đổi lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô tại VinaCapital: "Kết quả bầu cử có thể không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bất kể ai là người chiến thắng".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) - ứng viên đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên đảng Cộng hòa. Ảnh: AP |
Trong chiến dịch tranh cử, bà Kamala Harris nhấn mạnh việc thúc đẩy kinh tế thông qua các cải cách nhỏ, như gia tăng ưu đãi thuế cho gia đình có con nhỏ, nâng mức lương tối thiểu, xây dựng nhà ở giá rẻ và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ.
Về phía ông Trump có những chính sách mang tính bảo hộ hơn, như việc trục xuất người nhập cư trái phép và áp thuế nhập khẩu cao, đặc biệt là với hàng hóa từ Trung Quốc.
Cả hai ứng viên đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng trong cách tiếp cận chính sách và điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến phiếu bầu của cử tri.
Năm 2022, Đạo luật Khoa học và Tạo động lực hữu ích để sản xuất chất bán dẫn (Đạo luật CHIPS) của Tổng thống Biden đã tạo ra làn sóng đầu tư mạnh vào sản xuất công nghệ tại Mỹ, khiến số tiền đầu tư xây dựng nhà máy mới tăng gấp 4 lần, nhưng cũng gây ra tình trạng tăng chi phí sản xuất do thiếu hụt lao động có tay nghề.
Ông Kokalari cho rằng, việc di dời sản xuất về Mỹ không đồng nghĩa với việc sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu. Mặc dù ông Trump có thể tăng thuế cho hàng nhập khẩu, nhưng cũng có thể chọn cách giảm giá trị đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu, điều này lại mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Cụ thể, theo số liệu của Chính phủ nước này, cựu Tổng thống Mỹ đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% đang áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu ông Trump áp đặt thuế suất cao 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa từ nước này sẽ có giá cao hơn khi vào thị trường Mỹ. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Theo báo cáo từ VinaCapital, dù có áp thuế hay không, xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể duy trì ổn định, vì đồng USD bị giảm giá thì các quốc gia khác có xu hướng mua hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sản phẩm Việt Nam cũng trở nên rẻ hơn so với sản phẩm của Mỹ trên thị trường quốc tế.
Do đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang tăng trưởng ổn định, từ đó đã giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trong năm nay.
Quý III, hàng Việt xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng năm 2024 gần 88,2 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng này được giới phân tích dự báo duy trì sau bầu cử Tổng thống Mỹ và đầu năm sau.
Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro như khả năng Việt Nam trở thành mục tiêu bị áp thuế do chênh lệch kim ngạch thương mại.
Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, nếu thuế nhập khẩu tăng cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Đối với thị trường tài chính, nếu bà Harris chiến thắng, mức độ biến động có thể nhẹ nhàng hơn so với ông Trump.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng khiến giới phân tích lo ngại nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng là khả năng tác động vào hoạt động độc lập của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ông Maurice Obstfeld - Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nếu trở lại Trắng, ông Trump có thể can thiệp vào các hoạt động độc lập của Fed. Nếu Fed chịu ảnh hưởng chính trị, các quyết định về lãi suất hoặc chính sách tiền tệ có thể không còn được đưa ra dựa trên lợi ích kinh tế dài hạn mà thay vào đó là phục vụ mục tiêu chính trị. Điều này có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu trở nên khó đoán định.