Lộ diện phân loại doanh nghiệp bảo hiểm
VASS không đảm bảo khả năng thanh toán, đang tiến hành tái cấu trúc
- 19/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 2
“Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, có 9 DN nằm ở nhóm 1 và 19 DN ở nhóm 2. Nhóm 3 không có DN nào. Còn nhóm 4 có công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS)”, ông Hà cho biết thêm về kết quả đánh giá các DN bảo hiểm theo những tiêu chí đánh giá mà Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm/tái cấu trúc DN bảo hiểm.
Theo tiêu chí phân loại này, nhóm 1 gồm các DN bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, DN bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc có lãi từ 2 năm liên tục trở lên. Nhóm 2 gồm các DN bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục. Nhóm 3 gồm các DN bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán. Nhóm 4 gồm các DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Ngoài VASS thì các DN cụ thể cho từng nhóm phân loại chưa được Bộ Tài chính công bố. Đối với VASS, theo Bộ Tài chính, do khó khăn về khả năng thanh toán, mà chủ yếu vẫn là do đầu tư không hiệu quả, đầu tư nhưng không thu hồi được vốn đã dẫn đến mất khả năng thanh toán. Năm 2012, trong khi hầu hết DN bảo hiểm đều đáp ứng quy định về biên khả năng thanh toán, thì VASS có biên khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2012 thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định. Hiện Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và đôn đốc VASS thực hiện phương án tái cấu trúc tăng vốn chủ sở hữu, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán.
Chia sẻ với ĐTCK, hầu hết DN bảo hiểm ngoài việc “lơ mơ” về tiêu chí đánh giá thì đều không rõ “2 năm liên tục” ở đây được áp dụng vào khoảng thời gian nào: 2010 - 2011 hay 2011 - 2012? ĐTCK đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và được Cục này hứa sẽ trả lời thắc mắc này sau.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 3 năm liên tục (2010, 2011, 2012). Căn cứ vào số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đó là các DN: BIC, Bảo Ngân, QBE, BHV, Phú Hưng, Fubon, Xuân Thành, ACE, Groupama, AAA, Liberty, AIG.
Doanh nghiệp cần tự cứu mình!
Từ góc độ các nhà tái bảo hiểm, ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tái bảo hiểm PVI Re cho rằng, Bộ Tài chính nên sớm công khai các DN thuộc từng nhóm, cũng như công bố chi tiết hơn về kết quả tài chính của từng DN. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận xét, kết quả phân loại này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như uy tín của các DN bảo hiểm trong đánh giá của các đối tác/khách hàng, nên cần cân nhắc kỹ trước khi công bố danh sách cụ thể.
Theo đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc tái cơ cấu DN bảo hiểm đã có lộ trình cụ thể, thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường, đảm bảo lợi ích hợp pháp của khách hàng và sự an toàn của hệ thống nên không thể nóng vội.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, kết quả phân loại trên chỉ là những đánh giá/phân loại ban đầu phục vụ cho việc hoàn tất giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu DN bảo hiểm, đó là tổ chức phân loại các DN bảo hiểm theo mức độ đảm bảo khả năng thanh toán. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2014, theo đó tiếp tục ban hành tiêu chí phân loại DN bảo hiểm, tổ chức đánh giá phân loại phù hợp để tái cấu trúc DN bảo hiểm. Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại DN bảo hiểm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chia sẻ, Đề án tái cấu trúc/phân loại DN bảo hiểm sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2013, tập trung vào 2 nội dung chính. Thứ nhất, phía cơ quan quản lý sẽ ban hành bổ sung quy định tiêu chí về an toàn tài chính đối với các DN bảo hiểm cho phù hợp với tình hình mới (đây chỉ là tiêu chí mang tính chỉnh sửa, vì trước đây đã có rồi) và mong nhận được ý kiến đóng góp chi tiết về tiêu chí đó.
Thứ hai, trên cơ sở tiêu chí được bổ sung đó sẽ áp thực tiễn hoạt động của DN bảo hiểm, dựa trên tình hình tài chính (báo cáo hoạt động tài chính) năm 2013 cũng như quý I/2013, để xem xét phân loại DN bảo hiểm cho phù hợp.
“Từ đó, từng DN bảo hiểm sẽ xây dựng kế hoạch tái cơ cấu phù hợp và đăng ký với cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, chứ Bộ Tài chính cũng như Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ không làm thay các DN bảo hiểm”- ông Hà nói.
Đầu tư Chứng khoán