Thứ hai 23/12/2024 14:48

Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA đã được thực thi 3 năm qua và mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Làn sóng đầu tư mới

Theo các chuyên gia, không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhờ Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.

Toạ đàm Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA

Tại Toạ đàm Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/10, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ, bên cạnh lợi ích thương mại, lợi ích thu hút đầu tư mà EVFTA mang lại cũng rất lớn.

Đơn cử, những năm trước, Đức đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 100 triệu USD, là con số ít ỏi khi so sánh với 60 tỷ USD họ đầu tư ra thế giới. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2023, con số này đã lên đến hơn 200 triệu USD.

Về các dự án, cuối năm ngoái có một dự án rất lớn của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương là dự án của LEGO với tổng vốn hơn 1 tỉ USD. Đây là một dự án rất lớn và là những điểm sáng mà chúng ta cần phát huy.

Đối với các ngành hàng xuất khẩu, hiện EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Cho nên để thị trường cà phê tăng trưởng được, một trong những yếu tố phải dựa vào là lượng tiêu thụ của EU đối với cà phê Việt Nam.

Ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, phía EU đã hợp tác với Việt Nam từ rất lâu. Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam. Trước đây, họ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trồng, chế biến theo cách chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến. Lúc đó thuế suất bằng 0 và họ bảo hộ phần chế biến.

“Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu” – ông Lương Văn Tự chỉ rõ.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất cà phê hiện nay hiện đại nhất là của EU. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam đều phải nhập công nghệ của Đức và công nghệ của Đan Mạch mới đáp ứng được nhu cầu.

Ngành cà phê đón làn sóng đầu tư lớn từ EU thời gian qua (Ảnh minh hoạ)

Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, đã có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thiết bị để tăng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu sang EU. Đơn cử, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho hay, Phúc Sinh đã đầu tư khá nhiều về chế biến sâu. Hiện tại Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu trong vấn đề gia vị hạt tiêu để có thể làm các sản phẩm trước đây bị đánh thuế bây giờ bằng 0 khi nhập vào Châu Âu, đó là các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan để xuất khẩu vào Châu Âu thì. Tỉ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu của Phúc Sinh sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng ba năm vừa qua.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thuế từ Việt Nam sang châu Âu. Đây là động lực để tăng xuất khẩu mặt hàng cà phê chế biến sang châu Âu, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Năm 2022, lượng xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các loại cà phê chế biến khác chiếm đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chiếm 600 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của năm ngoái là 3,9 tỉ USD.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như Phúc Sinh, Intimex, Trung Nguyên cũng tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu không phải đi mỗi EU mà đi Trung Quốc và đi tất cả các thị trường mà chúng ta ký các hiệp định thương mại tự do.

“Trong vòng ba năm vừa qua, một số doanh nghiệp đã đến Việt Nam để mở các nhà máy. Bên cạnh thuận lợi do nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu, đó thực sự là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh rất nhiều ở cùng một mặt hàng” – ông Phan Minh Thông nói.

Tận dụng dòng đầu tư

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, việc EU đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một điều tất yếu. Xu hướng chung là các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển sang các thị trường có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho họ tiếp cận các thị trường trên thế giới.

Về lợi ích đối với Việt Nam, ông Khanh cho rằng chắc chắn Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu thế này. Vì theo khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu Eurocham thì 1/3 doanh nghiệp EU đã lựa chọn Việt Nam trong Top 5 điểm đến để họ đầu tư hay mở rộng đầu tư.

Ngoài ra, khi có nhiều đầu tư từ EU vào Việt Nam thì có tính lan tỏa và hiện nay nhiều doanh nghiệp EU tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam.

"Ví dụ như Tập đoàn Piaggio, các xe máy thương hiệu như Piaggio hay Liberty có tỉ lệ nội địa hóa lên đến từ 80 đến 90%. Đây là một con số rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ bởi vì với tỉ lệ nội địa hóa lên 80 đến 90% như vậy thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi cung ứng của Piaggio. Theo ước tính, hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang là những thầu phụ, nhà cung cấp cho Piaggio" - ông Khanh thông tin.

Hay Tập đoàn Bosch cũng là một nhà sản xuất và chuyển giao công nghệ rất tốt. Họ đã xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, đào tạo cho các nhân viên và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Đấy là những điển hình cho thấy rằng doanh nghiệp EU cũng rất quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ hay nâng cao trình độ của các cán bộ, công nhân người Việt Nam để từ đó làm sao có lợi ích hai chiều. Đối tác Việt Nam có tiêu chuẩn tốt, tiêu chuẩn cao và có nhân lực tốt thì rõ ràng họ cũng được lợi.

Trong thời gian tới khi EVFTA đi vào quá trình thực thi một cách sâu sắc hơn, lộ trình giảm thuế tiệm cận dần mức độ 0 – 5% thì cơ hội sẽ nhiều hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và EU. Đấy chính là cơ hội để tăng hơn nữa đầu tư.

Để đón đầu làn sóng đầu tư này, ông Ngô Chung Khanh cho biết, doanh nghiệp Việt Nam phải xác định hợp tác với EU là làm chuẩn, bài bản.

Thứ hai là cần phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bởi vì những thương hiệu Made in EU là một bảo chứng về chất lượng.

Thứ ba là cần phải chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến phần truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ bởi vì sắp tới những quy định của EU như đạo luật chuỗi cung ứng sẽ là đạo luật bắt buộc đánh vào nhà nhập khẩu EU, trong đó các doanh nghiệp từ Việt Nam.

Thứ tư là quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ để đảm bảo không có gì rò rỉ hay bị đánh cắp công nghệ.

Cuối cùng là phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vì Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững và không chỉ các doanh nghiệp EU hay là các cơ quan quản lý mà người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, phát triển bền vững.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định EVFTA

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày thích ứng với chuyển đổi xanh trong EVFTA

Định hình lại thị trường để nâng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang Pháp

Gỡ khó trong công tác đào tạo nhân lực ngành ngân hàng để thực thi, tận dụng tốt hơn các FTA

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long: Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác kinh tế, thương mại vững chắc

Hệ sinh thái tận dụng các FTA: Chiến lược phát triển bền vững cho ngành thủy sản

Hệ sinh thái tận dụng FTA - giải pháp để xuất khẩu điều thoát 'kiếp gia công', tăng giá trị

Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA

Hệ sinh thái FTA - động lực và nền tảng vững chắc hơn cho xuất khẩu da giày

Tuân thủ các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA

Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp da giày tận dụng tốt hơn EVFTA

Tận dụng EVFTA, xuất khẩu da giày tăng tốc vào EU

Hiệp định EVFTA giúp hàng Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh, tăng thị phần tại Thụy Điển

Hiệp định EVFTA thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam

Hiệp định EVFTA - khơi thông dòng chảy cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp

Các cam kết từ EVFTA: Động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

'Xanh hóa' để làm chủ cuộc chơi trong hiệp định EVFTA

Ngành dệt may giải bài toán xuất xứ hàng hoá trong hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA: Thu hút đầu tư, tạo sức bật cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

"Đường cao tốc" để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới