Nhiều ý kiến đóng góp phát triển thương mại biên giới tại phiên họp (Ảnh minh họa) |
Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định dự án Luật Quản lý ngoại thương đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại năm 2005, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị rà soát kỹ nội dung của dự án Luật này để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác như Luật Thương mại năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016…
Thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương, các đại biểu cho rằng, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể là Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động ngoại thương cần những cơ sở pháp lý ở mức cao nhằm thể hiện quan điểm hỗ trợ ngoại thương của Nhà nước, Chính phủ để tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi trong các khuôn khổ thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong quá trình xây dựng dự án luật cần hết sức quan tâm làm rõ mỗi quan hệ của với Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan cũng như làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; hết sức chú ý đến xây dựng các quy định về thúc đẩy phát triển các dịch vụ ngoại thương; các biện pháp phòng vệ thương mại tương thích với các điều ước, quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đề nghị cần nghiên cứu kỹ chính sách phát triển thương mại biên giới của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam; tăng cường sự hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương đối với thương mại qua đường biên giới; hướng tới cuộc sống dân sinh, bảo đảm cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quản lý hoạt động ngoại thương đối với các nước có chung đường biên giới; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương…