Lào Cai ưu tiên phát triển hạ tầng logistics
Còn vướng trong phát triển logistics
Với vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có 182,086 km đường biên giới với Trung Quốc gồm 2 cặp cửa khẩu quốc tế, nhiều cửa khẩuphụ lối mở biên giới..., Lào Cai đã và đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics. Từ đó, trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du miền núi phía Bắc.
Dù vậy, theo đánh giá từ Sở Công Thương Lào Cai, hiện trạng phát triển /chu-de/trung-tam-logistics.topic của địa phương đang gặp nhiều trở ngại. Đầu tiên, hệ thống pháp luật về logistics chưa đồng bộ và phải chịu sự điều tiết của nhiều cơ quan quản lý khác nhau đã gây một số khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Cơ chế chính sách chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics, đặc biệt là những chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics.
Ông Hoàng Chí Hiền- Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai. Ảnh Việt Hiến |
Các liên kết liên vùng quan trọng, nhất là hành lang kết nối với Côn Minh-Trung Quốc mất dần lợi thế cạnh tranh, việc sử dụng hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cho hàng hóa của khu vực Tây Nam, Trung Quốc đang trở nên ít hấp dẫn do tình hình chậm đầu tư và khớp nối hạ tầng với Trung Quốc. Trong khi đó, nước bạn đã đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, đến các cửa khẩu và các cảng biển. Đây là vấn đề rất cấp thiết đặt ra cho Lào Cai và các địa phương trên hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024, ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cũng thông tin, năm 2023 Chính phủ ban hành Quyết định số 1199/QĐ-CP phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Đây là quyết định mang tính đơn phương cần có hiệp định song phương hoặc hội đàm cùng phía Trung Quốc để hai bên phối hợp thực thi mới mang lại hiệu quả như mong muốn”, ông Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh mới chỉ có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế. Các loại hình dịch vụ được cung cấp hầu như là dịch vụ cơ bản mang tính đơn lẻ, truyền thống như dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan... và chưa phổ biến những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao.
Chưa có doanh nghiệp có khả năng cung cấp đầy đủ và trọn gói các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Đa phần doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh hiện nay không cao; sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp logistics từ các tập đoàn đa quốc gia, quốc tế có ưu thế vượt trội về năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực, năng lực quản lý và mạng lưới toàn cầu ngày càng nhiều.
Khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu lớn
Với mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước Asean với vùng Tây Nam, Trung Quốc, là “cầu nối” các dòng hàng hóa hai chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á, Lào Cai xác định tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Lào Cai ưu tiên phát triển hạ tầng logistics |
Trong đó, địa phương tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như: Giai đoạn 2 đường cao tốc Nội Bài ‑ Lào Cai; đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); đề xuất xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực Bát Xát (Việt Nam) ‑ Bá Sái (Trung Quốc); tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành ‑ Ngòi Phát; cảng hàng không Sa Pa và các tuyến đường thủy nội địa tỉnh nhằm nâng cao năng lực vận tải. Quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp, tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu.
Rà soát các cơ chế, chính sách phát triển logistics, góp phần hoàn thiện khung khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ logistics; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù cho phát triển logistics; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính cho dịch vụ logistics; tăng cường năng lực và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics trên địa bàn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó, phát huy vai trò công nghệ số hóa trong thương mại; tăng cường đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại điện tử xuyên biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. “Lào Cai đang phối hợp với Viettel để triển khai cửa khẩu số thông minh nhưng nội dung này liên quan đến cả Luật Hải quan về cung cấp thông tin và trao đổi dữ liệu, do đó địa phương cần sự hỗ trợ tích cực từ phía các Bộ, ngành để có thể triển khai thực hiện”, lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai đề nghị.
Ngoài ra, địa phương theo dõi chặt chẽ, bám sát những diễn biến của thị trường thế giới, tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư để thu hút đầu tư phát triển logistics, đặc biệt là logistics ứng dụng công nghệ cao. Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung đã được Chính phủ hai nước ký kết, trong đó sớm rà soát, thỏa thuận thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt – Trung, thực hiện xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu xây dựng các khu cửa khẩu, khu công nghiệp, các mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do có tính bổ trợ cho nhau, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả vị trí vai trò cầu nối của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh giữa thị trường Tây Nam (Trung Quốc) và khu vực ASEAN.