CôngThương - Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn, do chủ trương của Chính phủ không cho phép xuất khẩu, ưu tiên làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu trong nước. Bên cạnh đó, một số dự án chế biến sâu trên địa bàn có sử dụng nguyên liệu khoáng sản chậm tiến độ đầu tư so với kế hoạch được phê duyệt nên đã không thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản địa phương thực hiện đúng quy hoạch đề ra. Mặt khác, giá bán một số loại khoáng sản giảm mạnh, cự ly vận chuyển khoáng sản từ Lào Cai đến các nhà máy sản xuất trong nước rất xa, hạ tầng giao thông của tỉnh xuống cấp trầm trọng làm cho chi phí vận chuyển cao. Do đó, các loại khoáng sản được khai thác, chế biến trên địa bàn khó có thể cạnh tranh với khoáng sản được khai thác, chế biến tại các tỉnh, thành khác.
Đó là những nguyên nhân chính khiến thị trường tiêu thụ khoáng sản bị thu hẹp, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đến giữa tháng 10/2012, giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản mới đạt xấp xỉ 50% kế hoạch năm, một số loại quặng được khai thác, chế biến đạt sản lượng rất thấp như: Quặng sắt đạt 3,7% kế hoạch; Fenspat đạt 25%, quặng chì, kẽm đạt 0%... Do đó, các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn ít có cơ hội tái đầu tư, khó bố trí việc làm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Yêu cầu đơn vị được cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các quy định khác có liên quan. Các cấp, ngành tạo điều kiện tìm kiếm thị trường, tổ chức tháo gỡ khó khăn cho việc tiêu thụ từng nhóm sản phẩm được khai thác, chế biến như: quặng sắt, quặng đồng, Apatit, phốt pho vàng, phân lân các loại... Tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ làm động lực phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để đưa các dự án khai thác, chế biến khoáng sản vào khu vực sản xuất tập trung nhằm thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý môi trường, cung cấp điện, nước... phục vụ sản xuất. Yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu, khẩn trương đưa các nhà máy gang thép công suất 1 tấn/năm và Nhà máy DAP số 2 công suất 350 ngàn tấn/năm vào hoạt động làm động lực phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ để bàn giao lại cho các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện; rà soát, bổ sung quy hoạch quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản cho phù hợp với các quy hoạch khác để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành. Trong quy hoạch, gắn khai thác, chế biến với địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, giúp các đơn vị khai thác khoáng sản yên tâm về đầu ra và các đơn vị chế biến sâu yên tâm về nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho nhà máy.
Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành khai thác, chế biến và chế biến sâu khoáng sản Lào Cai đạt 1.731 tỷ đồng, chiếm 75% giá trị toàn ngành công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 670 tỷ đồng... |