Chủ nhật 22/12/2024 20:14

Làng nướng cá nơi cửa biển Nghi Thuỷ tất bật ngày cận Tết

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, người dân nơi cửa biển ở xã Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An lại tất bật hơn với các công việc đánh bắt và chế biến hải sản. Nghề nướng cá biển không chỉ tạo nên nét đẹp truyền thống đặc trưng của làng biển, mà còn mang lại thu nhập cao cho các hộ dân mỗi dịp cận Tết.

Làng nướng cá đỏ lửa ngày đêm

Bến cá Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, không khí đánh bắt, chế biến thủy hải sản trở nên nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Ngay bến, thuyền lớn bé khẩn trương cập bến, mang về những mẻ hải sản đầy ắp, trên bờ rất đông các thương lái đang hối hả thu mua, chế biến thành phẩm.

5h sáng, đoạn đường gần một trăm mét trước cổng chợ bến cá phường Nghi Thủy thị xã Cửa Lò bắt đầu nhộn nhịp hơn khi những phụ nữ tại các lò nướng cá nhóm lửa. Nằm ven biển, phường Nghi Thủy có trên 20 hộ gia đình chuyên làm nghề nướng cá, theo những chủ lò nướng ở đây, bình quân mỗi ngày các lò nướng tiêu thụ trên 5 tấn cá các loại đưa đi khắp các chợ trong tỉnh và phục vụ thực khách thập phương.

Nghề này không chỉ tạo nên nét đẹp truyền thống đặc trưng của làng biển mà còn mang lại thu nhập chính cho bà con nơi đây

Những ngày này, cơ sở nướng cá biển của gia đình chị Hoàng Thị Hậu (chủ cơ sở nướng cá Hoàng Hậu) tại bến cá Nghi Thuỷ luôn tất bật, nhộn nhịp bởi các đơn hàng đặt cá nướng làm quà biếu tăng cao.

Nghề này được duy trì quanh năm, thế nhưng theo chị Hậu dịp giáp Tết sản lượng tiêu thụ thường tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường nên các gia đình đều phải thuê thêm lao động nướng cá để kịp phục vụ các đơn hàng. Ngoài 5 lao động chính, cơ sở của chị phải thuê thêm 4-5 lao động thời vụ để kịp đơn hàng.

"Cá thu trắng đã nướng giá dao động 200.000-350.000 mỗi kg hoặc cao hơn tùy vào trọng lượng; cá trích và cá nục 80.000 đồng; cá lỗ cố 100.000 đồng mỗi kg. Cá nướng, rồi hút chân không với mục đích để giữ cá được tươi ngon. Hiện, gia đình tôi đã đầu tư thêm máy hút chân và thêm kho lạnh với trữ lượng hàng chục tấn cá", chị Hậu nói. Những miếng cá thu tươi ngon được làm sạch và nướng trên bếp than hồng đến se phần da, thịt cá bên ngoài. Khi thấy miếng cá se lại, vàng óng tỏa ra hương vị thơm ngon đặc trưng nghĩa là đã đạt chất lượng. Từng khúc cá nướng xong có thể bán ngay, hoặc để nguội trên các vỉ tre, sau đó được hút chân không cho vào kho cấp đông. Sản phẩm cá thu nướng Cửa Lò được tiêu thụ ở khắp nơi, nhưng nhiều nhất là các tỉnh, thành phía Bắc…

Chị Mai Hoa ở thành phố Vinh, là khách hàng lâu năm của cơ sở của chị Hậu cho biết: "Bình thường tôi hay xuống lấy cá về ăn, nhưng dịp này thường đặt thêm, tôi đặt cá thu nướng nguyên con khoảng từ 5 - 6kg/con, đem nướng sau đó hút chân không làm quà biếu cho anh em bạn bè dịp Tết...".

Ông Hoàng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thuỷ - cho biết, trên địa bàn xã Nghi Thuỷ hiện có 109 phương tiện khai thác, trong đó có 46 chiếc có công suất 800 - 1.500 CV; còn lại là từ 400 CV trở xuống; lao động ở Nghi Thuỷ chủ yếu là làm nghề khai thác hải sản và hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 12.500 tấn. Phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua xã Nghi Thuỷ đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản và nghề nướng cá biển được xem là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tết "ấm" nhờ nghề nướng cá

Nghề này tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói, làm từ tinh mơ đến tối mịt nhưng mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình. Những lao động làm thuê cũng có mức thu nhập khá. Đặc biệt, nhiều lao động ở độ tuổi 45-55, khó tìm được việc nơi khác nhưng họ vẫn được làm ở các cơ sở nướng cá.

Nhân công trực tiếp ngồi tại lò nướng hầu hết là phụ nữ luống tuổi. Thoăn thoắt xếp từng lát cá tươi ngon lên giàn chuẩn bị nướng, bà Nguyễn Thị Lý (55 tuổi) - thợ nướng cá ở bến cá Nghi Thuỷ cho hay, bà làm nghề nướng cá biển cũng đã hơn 20 năm. Nghề này tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói nhưng mang lại nguồn thu ổn định. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi người nướng được gần một tạ cá, nhận được 200.000 đồng tiền công.

Nghề nướng cá mang lại thu nhập ổn định và giúp các gia đình có một cái Tết "ấm" hơn

"Ngày Tết đơn hàng tăng nên thời gian làm việc của mình cũng nhiều hơn, thù lao trả cũng cao hơn, gần như gấp đôi tháng bình thường. Vất vả một chút nhưng cả cái Tết trông chờ vào nghề này nên cũng phải cố gắng".

Theo bà Lý, muốn cá ngon thì trước hết phải tươi và bảo quản phải tốt. Do vậy, để có đủ số cá tươi, chủ cơ sở thường tuyển chọn kỹ. Hàng năm từ tháng 11 đến khoảng tháng 2 âm lịch - thời điểm con cá béo nhất, nhiều thịt nhất, các hộ làm nghề ở đây bắt đầu thu mua và cấp đông trong kho lạnh để xẻ thịt nướng và bán quanh năm. "Cá sau khi được rã đông tự nhiên sẽ được xẻ thành lát, phơi ra ánh nắng tự nhiên cho ráo nước, sau đó được xếp ngay ngắn lên các giàn và đưa lên lò nướng dưới than hoa. Ban đầu sẽ cho cá tiếp xúc gần với than, sau đó đưa lên các giàn cao hơn để cá chín dần dần, không bị "cướp lửa", chín ép. Trong quá trình nướng, phải trở, lật thường xuyên, không chú ý cá sẽ bị cháy, mất đi vị thơm ngon đặc trưng của cá biển…", bà Lý chia sẻ kinh nghiệm.

Cũng như cơ cở Hoàng Hậu, cơ sở nướng cá của chị Nguyễn Thị Loan cũng đang tất bật với công việc nướng cá. Người rửa cá, phơi, xếp lên giàn, người nướng cá, đóng gói… ai cũng miệt mài với công việc của mình, tỷ mẩn đến từng công đoạn. Tỉ mẩn rửa sạch từng khúc cá để chuẩn bị cho mẻ nướng mới, chị Nguyễn Thị Nga cho biết, chị bắt đầu biết nướng cá từ năm 15-16 tuổi, đến nay sau gần 30 năm gắn bó, nướng cá đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình. "Gia đình tôi 3 đời làm nghề nướng cá, nghề này giúp cho gia đình có thu nhập ổn định, nuôi con cái học hành và đặc biệt là những dịp Tết như thế này việc nhiều, có khi nướng cả ban đêm, nhưng lại có một cái Tết đủ đầy hơn…", chị Nga nói.

Những tháng bình thường, thị trường tiêu thụ chính của gia đình chị Loan là một số thương lái ở trong tỉnh và các địa phương lân cận các nhà hàng, khách sạn lớn… nên sản lượng tiêu thụ duy trì ổn định. Tuy nhiên, vào dịp Tết, nhu cầu mua cá nướng làm quà biếu tăng cao nên sản lượng tiêu thụ cũng tăng gấp 2-3. Gia đình phải thêm lao động, thêm lò nướng để kịp đơn hàng. Ngoài khách trong huyện, trong tỉnh, thời điểm này có rất nhiều khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đặt hàng cho Tết.

Theo chị Loan, để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay thì cá càng thơm ngon. Cá được nướng hoàn toàn bằng than hoa và không tẩm bất cứ gia vị hay chất phụ gia nào nên giữ được độ thơm ngon từ những thớ cá, vị béo từ lớp da vàng óng bên ngoài…. Với giá bán trên dưới 300 nghìn đồng/kg thành phẩm, mỗi năm gia đình chị Loan thu nhập hàng tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò - cho hay, cá thu là đặc sản nổi tiếng của vùng biển Cửa Lò. Hàng tuần, hàng tháng những chiếc tàu cá vẫn ra khơi và mỗi tháng chỉ trở về một lần vào lúc nửa đêm, khi cập cảng khoang chứa đầy cá thu, cá trích... cả khu chợ và cầu cảng nơi tập trung thuyền bè thu hút lái buôn từ mờ sáng. Cá khi đưa ra khỏi thuyền được phân loại và đưa vào khu ướp lạnh để giữ thịt cá tươi. Cá thu thường được các cơ sở thu mua cấp đông ở kho đông lạnh, sau khi có khách mua mới đem ra cắt để nướng.

“Cá thu hay các loại hải sản như tôm, cua, mực… ở Cửa Lò thường được khách hàng khắp cả nước ưa chuộng, bởi nồng độ muối trong nước mặn hơn các vùng biển khác nên con cá, mực dày hơn có độ ngọt đậm đà hơn… Nghề này không chỉ là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, đặc biệt là dịp Tết. Chúng tôi mong thị trường Tết năm nay sẽ khởi sắc, bà con tiêu thụ lượng hàng lớn để bù lại những thiệt hại trong năm do dịch bệnh gây ra…", ông Hoàng Minh Chính chia sẻ.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản