Lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 6/9 tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Điện lực dưới góc độ của doanh nghiệp sản xuất điện, mua bán lẻ điện, người sử dụng điện; góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; chuyên gia tư vấn pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi và Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Thanh Minh |
Các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phát triển năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện...
Bà Phạm Linh Ngân - Trưởng Ban Thư ký Nhóm Công tác về Điện và Năng lượng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Ảnh: Thanh Minh. |
Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), bà Phạm Linh Ngân - Trưởng Ban Thư ký Nhóm Công tác về Điện và Năng lượng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) bày tỏ, ủng hộ và đồng tình với tinh thần của lần sửa đổi này của Luật Điện lực lần này, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự phù hợp và theo kịp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường điện Việt Nam cũng như giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, đưa ra những góp ý về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, hoạt động mua bán điện…
“Chúng tôi muốn làm rõ liệu quy định của Điều 15, Dự thảo Luật có trao cho Thủ tướng thẩm quyền chung để quyết định bổ sung các dự án mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hay không, hay Thủ tướng chỉ có thẩm quyền bổ sung các dự án để thay thế các dự án chậm tiến độ trong quy hoạch. Chúng tôi đề xuất dự thảo Luật cung cấp thông tin chi tiết hơn về trình tự, thủ tục để đề xuất Bộ Công Thương bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực”, bà Phạm Linh Ngân nêu ý kiến.
Ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Phong Energy tham giai đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanh Minh |
Quan tâm đến nội dung phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới, ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Phong Energy - cho rằng, trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu và hệ thống lưu trữ năng lượng đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Mặt khác, hệ thống lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa và ổn định nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc phát triển các hệ thống lưu trữ không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia mà còn đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định. Do đó, ông Phạm Đăng An, đề xuất cần có chính sách rõ ràng để Nhà nước hỗ trợ tài chính và phát triển các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các hệ thống này.
Doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tị hội thảo. |
Về đầu tư năng lượng tái tạo, ông Phạm Đăng An cũng cho rằng cần nhấn mạnh hơn về việc hợp tác đa bên dành cho điện mặt trời mái nhà. Dự thảo đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
“Cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển dịch xanh”, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Phong nêu ý kiến. .
Bên cạnh đó, việc chi tiết hoá các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo.
Luật sư Nguyễn Văn Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Trung. Ảnh: Thanh Minh. |
Dưới góc nhìn về pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Trung – nhấn mạnh: Trong việc xây dựng cấu trúc của một quy phạm pháp luật. Mỗi quy phạm pháp luật thường có ba yếu tố chính: giả định (nêu lên tình huống áp dụng luật), quy định (nêu các nguyên tắc hoặc hành vi cần thực hiện), và chế tài (quy định các hình phạt nếu vi phạm).
Tuy nhiên, Luật Điện lực Việt Nam (ban hành năm 2004 và dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào các quy định chính sách và nguyên tắc hoạt động còn thiếu sự cụ thể về các chế tài xử lý vi phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Bình dẫn chứng, Luật Điện lực có các điều khoản khuyến khích đầu tư phát triển ngành điện lực, chẳng hạn như quy định về việc nhà nước ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, luật không đưa ra chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp nếu không tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường hay sử dụng năng lượng hiệu quả.
Do đó, cần bổ sung quy định rõ ràng và chế tài xử phạt cụ thể vào luật. Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình, việc thiếu vắng các chế tài cụ thể trong Luật Điện lực có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các vi phạm trong thực tế. Các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn khi xử lý vi phạm do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng về hình thức xử phạt...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi. Ảnh: Thanh Minh. |
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, những ý kiến thảo luận, chia sẻ về giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các chế tài để việc thực thi luật thực sự có hiệu quả… của các đại biểu là đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp chịu tác động của những chính sách trong dự thảo Luật là nguồn thông tin, tư liệu cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) xây dựng báo cáo thẩm tra gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào, dự kiến vào tháng 10 tới đây.
Hội thảo được tổ chức với mục đích là góp ý, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp phía Nam, chuyên gia, các bộ ngành, tổ chức hữu quan để có thêm thông tin xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) phục vụ phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hoàn thiện báo cáo gửi xin ý kiến Ủy ban Thương vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8, dự kiến tháng 10/2024. Dự thảo Luật Điện lực gồm 9 chương và 121 điều vơi 6 nhóm chính sách lớn như: Quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực. |