Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được một số doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai khá hiệu quả. Điển hình có thể kể đến như Heineken Việt Nam, qui trình sản xuất của Heineken đã được lồng ghép và hạn chế thấp nhất phế thải và chất thải đẩy ra môi trường. Trong đó, năng lượng đầu vào Heineken đã sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo phát ra từ việc tận dụng phế thải đồng ruộng; bã bia được tận dụng để sản xuất phân bón thay vì thải ra môi trường; nước thải cũng đã được xử lý đạt tiêu chuẩn có thể làm vệ sinh và tưới cây khi thải ra môi trường. Nhờ áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, 3 năm qua (2017-2019), Heineken liên tục được vinh danh là doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Ngoài Heineken, còn có thể kể đến một số doanh nghiệp khác đang rất tích cực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như Unilever Việt Nam, Ly and Man Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam… Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - nhận định: Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình hiện đại, phù hợp xu thế phát triển bền vững, đóng góp những giá trị tích cực về xã hội và bảo vệ môi trường. Những kinh nghiệm hay, những bài học tốt về kinh tế tuần hoàn Heineken cũng như một số doanh nghiệp khác đang áp dụng chắc chắn sẽ lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dây chuyền tái chế nhựa. Ảnh minh họa |
Đối với ngành công nghiệp nhựa, thống kê cho thấy, hiện nay vẫn phụ thuộc 80% nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu, trong đó có việc nhập khẩu hàng triệu tấn phế liệu mỗi năm. Nhập khẩu phế liệu nhựa tuy giá thành sản xuất và giá sản phẩm cạnh tranh, song các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro rất lớn về tác động gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, thông điệp của Chính phủ đưa ra là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Trong số khoảng 17.000 container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam hiện ách tắc tại các cảng biển thời gian gần đây do có liên quan đến thủ tục nhập khẩu, qui chuẩn, tiêu chuẩn về phế thải… chưa được xử lý, chỉ riêng ngành nhựa có đến 5.000 container.
Kinh tế tuần hoàn có mục tiêu là tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín để tránh tạo ra phế thải, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều cùng có ý thức kéo dài thời hạn sử dụng và tận dụng tối đa giá trị của tài nguyên, nghiên cứu tái chế sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng. |
Việt Nam lại là một trong những nước có lượng rác thải nhựa đứng hàng đầu trên thế giới. Việc thu gom rác thải nhựa mới chỉ đạt khoảng 20%, hoạt động tái chế phế thải nhựa cũng chưa phát triển, mới chỉ mang tính sơ khai, công nghệ lạc hậu, thủ công. Tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa tăng trưởng bền vững cho ngành nhựa, diễn ra ngày 28/11/2019, trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị, máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam”, diễn ra ở Hà Nội từ ngày 27-29/11/2019, ông Helen Jordan - Liên đoàn Các nhà sản xuất, kinh doanh thuộc Vương quốc Anh, cho rằng: Đừng coi nhựa là phế thải, mà coi nhựa là tài nguyên cần được tái chế một cách hợp lý và đúng đắn.
Các diễn giả tại hội thảo đã khuyến nghị, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nhựa Việt Nam bắn một mũi tên trúng 2 đích: Vừa phát triển được nguồn cung mới về nguyên liệu, vừa thể hiện vai trò tích cực trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Theo đó, sản phẩm nhựa sẽ được thiết kế có khả năng tái chế. Bởi, thực tế, nhựa được làm từ các chuỗi phân tử gọi là polymer. Các loại polymer khác nhau được sử dụng đáp ứng các yêu cầu về kích cỡ, thẩm mỹ và thương hiệu cho mỗi sản phẩm. Sự đa dạng về nhu cầu sử dụng polymer đã khiến quá trình tái chế sản phẩm nhựa lâu nay trở nên khó khăn. Một trong những giải pháp cho vấn đề này, đó là các nhà sản xuất phải tuân thủ theo một qui trình nhất định bao gồm việc tái chế sử dụng màu sắc, giảm gắn nhãn, gắn vỏ bao bì và chất kết dính. Nhiều tập đoàn trên thế giới đã áp dụng việc sản xuất bao bì từ một loại polymer duy nhất nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho qui trình tái chế sản phẩm.
Được biết, mới đây, Liên minh Tái chế bao bì nhựa Việt Nam (PRO) đã chính thức được thành lập gồm 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì tham gia. Liên minh này hoạt động dựa trên 4 nền tàng chính, bao gồm: Nâng cao nhận thức người dùng về tái chế và phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế; hợp tác với Chính phủ trong các chương trình về tái chế với nguyên tắc 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế).