Kiến trúc nền móng 1 tháp Chăm tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ phát lộ |
Chăm Phong Lệ - di tích đậm văn hóa Chămpa
Di chỉ khảo cố Chăm Phong Lệ (Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được lấy tên theo làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ Vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân giữ vua Chămpa Chế Mân và Huyền Trân công chúa.
Những năm cuối thế kỷ XIX, trong quá trình khai phá, Phong Lệ được một chủ đồn điền phát hiện và thu thập được nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm).
Theo ghi chép, "ngôi tháp chỉ còn lại một ụ đất bị cỏ bao phủ trên một đồi tháp. Có thể nhìn thấy dấu vết của bức tường trải dài theo hướng bắc - nam. Theo những thông tin thu thập được thì dường như đã có nhiều kiến trúc tập trung tại địa điểm này trên ngọn đồi…Người ta đã lấy gạch ở đây để xây ngôi villa của lãnh địa cùng công trình phụ và nhiều tảng gạch được lấy lát đường dẫn ra bờ sông và còn thấy những mảnh vỡ của các hiện vật điêu khắc…”
Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, và ít người qua lại.
Tháng 4/2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm.
Từ sự phát hiện tình cờ đó, Bảo tàng Chăm đã thực hiện 3 đợt khai quật khảo cổ. Nhiều dấu vết kiến trúc Chăm đã xuất lộ như phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chăm rất lớn, một số đồ dùng như gốm tráng men… Đặc biệt, đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết.
Khu vực "hố thiêng" tại di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ |
Đoàn khảo cổ đã nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Champa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỉ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.
Sau khi được phát lộ và nghiên cứu khảo cổ, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được UBND thành phố quan tâm và có những chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Đặc biệt, ngày 23/2, UBND quận Cẩm Lệ đã đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Minh chứng cho tầm quan trọng và ý nghĩa của di tích này.
Để di tích Chăm Phong Lệ không “ngủ quên” một lần nữa
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ - ông Nguyễn Xuân Tiến, với những ý nghĩa của di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ cùng với việc TP. Đà Nẵng đã kịp thời xây dựng và phê duyệt đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích, sẽ mở ra cơ hội, là điều kiện góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại Cẩm Lệ.
Tuy nhiên, trong lúc đợi việc hoàn thiện các thủ tục, triển khai các dự án theo quy hoạch, một vấn đề đặt ra là làm sao để di tích này không bị ‘ngủ quên” một lần nữa. Đó là trăn trở của nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng – Nguyễn Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
Ông Thắng cho biết đã từng có nhiều di tích trong cả nước sau khi khai quật đã làm lễ đón nhận và cũng được quy hoạch. Tuy nhiên, qua thời gian, những di tích này dần rơi vào tình trạng “ngủ quên”. Vấn đề là làm sao đừng để xảy ra tình trạng đó đối với Chăm Phong Lệ.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng lo ngại di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sẽ bị lãng quên 1 lần nữa trong lúc đợi các đề án bảo tồn, tôn tạo |
Theo ông Thắng, đối với việc bảo tồn, phát huy di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ thì về mặt pháp lý đã đầy đủ và rất thuận lợi. Chính quyền thành phố đã có quy hoạch bài bản. Nhân dân ở khu vực xung quanh di tích đồng tình, sẵn sàng di dời nếu có chủ trương.
Tuy nhiên, thời gian từ lúc phê quy hoạch đến lúc triển khai và di dời người dân là cả một quá trình và khoảng thời gian này không ngắn.
Ông Thắng hiến kế, trong thời gian chờ đợi những dự án lớn, thì những người có tâm huyết hoặc người dân xung quanh di tích có thể tham gia để tạo sức sống cho di tích. Như tạo cảnh quan trước di tích, tuyên truyền để nhiều người dân, du khách biết đến điểm đến. Tạo kết nối thẳng từ di tích ra đường Thăng Long, sông Cẩm Lệ. “Làm thế nào mà để phát huy được di sản trong điều kiện đầu tư ít, đầu tư vừa phải vẫn làm được, vẫn tuyên truyền được ý nghĩa văn hóa của di tích. Trong đó, chú trọng huy động sức dân”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cho rằng, có làm du lịch hay không là việc lâu dài, việc trước mắt là phải để mọi người biết đến di tích và để di tích không rơi vào tình trạng bỏ hoang. “Nếu cứ chờ các dự án thiệt to, đợi từng sở ban ngành có ý kiến thì rất mất thời gian và di tích sẽ bị bỏ quên. Tôi không muốn sẽ phải thấy những bài báo về Chăm Phong Lệ theo kiểu như “Di tích 20 năm bị bỏ quên” hay “di tích trở thành bãi cỏ”…. Phải làm, chứ cứ chờ thì không bao giờ làm được”, ông Thắng trăn trở.
Ông Nguyễn Phước Sơn – Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông khu Phong Bắc (khu vực di tích tọa lạc) là 1 trong 3 khu vực chỉnh trang đô thị của phường Hòa Thọ Đông. Bên cạnh đây có nhiều di tích thuộc quần thể như nhà thờ danh nhân Ông Ích Đường, nhà thờ cổ, chùa Bàu Sen, Miếu bà hàng trăm năm, hoàn toàn có thể “khớp nối” để khai thác du lịch.
Hiện người dân tại địa phương cũng rất đồng tình, tôn trọng và không xâm phạm di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Phường đã vận động và giải tỏa 4 hộ dân để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.
UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt sơ đồ ranh giới bảo vệ di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ với với diện tích 2.653m2; sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất và mở rộng quy hoạch định hướng bảo tồn phát huy di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ với diện tích 17.087m2. Không gian bảo tổn di chỉ khảo cổ được chia làm 3 khu: khu vực bảo tồn, diện tích 2.653m2, khu vực bảo vệ di tích 1.626m2 và khu vực phát huy giá trị di tích 15.461m2.. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Lê Quang Nam cho biết, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 tại khu vực này. |