Làm gì để "bung lò xo kinh tế" hậu Covid-19?
Doanh nghiệp khủng hoảng
Trong bối cảnh khó khăn chung của các nước trên thế giới do Covid-19, quý 1/2020, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất hơn so cùng kỳ năm trước theo cả hai hướng trái ngược nhau, do tăng lạm phát, thất nghiệp, số DN dừng hoạt động, phá sản; dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng… Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, Việt Nam ghi nhận số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới. Cụ thể, trong tháng 4 đầu năm 2020, cả nước có 3.810 DN quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019, song tính chung bốn tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% về số DN, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động và giảm 5,5% về vốn bình quân/DN so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện và xuất khẩu quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tại Toạ đàm “Để bung chiếc lò xo kinh tế” |
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam – thông tin tại Toạ đàm “Để bung chiếc lò xo kinh tế” do Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế, Câu lạc bộ các nhà Công Thương phối hợp với Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) tổ chức ngày 30/5: Toàn bộ các DN ở các ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Từ cung - cầu, tác động đến từng con người, từng lao động cụ thể. Hệ thống các DN mất đi sự ổn định, cạn kiệt về nguồn lực. Một số DN cho biết họ chỉ cầm cự được từ 3 - 6 tháng nữa nếu tình hình không có chuyển biến khả quan hơn.
Với hệ thống các DNNVV, mỗi lĩnh vực lại có một khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhìn chung khó khăn lớn nhất vẫn là thị trường. Đầu vào giảm, đầu ra cũng giảm theo. Cùng với xu hướng thị hiếu, thói quen, sức mua của người tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng giảm. Người tiêu dùng cũng có xu hướng cắt giảm những chi tiêu không cần thiết khiến DN phải tính toán lại khả năng kinh doanh của mình.Trong tình huống này, các DN cũng đã linh hoạt đưa ra các biện pháp giữ chân người lao động như làm việc luân phiên, giảm giờ làm, làm việc từ xa… nhằm chia sẻ khó khăn chung giữa nhà nước, DN và người lao động.
Để doanh nghiệp “hồi sinh”
Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đang dần được kiểm soát tốt hơn, việc tái khởi động nền kinh tế là điều đặc biệt cần thiết để cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xây dựng và xúc tiến triển khai ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương. Trong đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như giãn nộp thuế, giảm phí, gói tín dụng, giảm giá điện, gói an sinh xã hội… với quy mô chưa từng có để hỗ trợ DN trước những khó khăn của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ tại Tọa đàm |
Đánh giá cao sự thích nghi và đồng hành của các DN với Chính phủ trước bối cảnh nền kinh tế phải chịu nhiều tác động do dịch bệnh toàn cầu, tại Toạ đàm, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nhận định, quá trình hồi phục nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do chúng ta phải phụ thuộc vào các quốc gia phòng, chống dịch như thế nào. Do đó, chúng ta phải nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn, bằng cách tận dụng thị trường nội địa để thúc đẩy năng lực tiêu thụ sản phẩm, khẳng định giá trị và vị trí của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, hình thành mối liên kết, chia sẻ lợi ích với nhà nước – DN – người lao động để các bên lắng nghe ý kiến, góp ý kiến để đảm bảo khôi phục sản xuất, chia sẻ gánh nặng, cùng phát triển để làm hành trang cơ sở khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.
Các doanh nghiệp chia sẻ, kiến nghị giải pháp cùng phát triển tại Tọa đàm |
Cũng tại Toạ đàm, các DN đồng ý những gói hỗ trợ này của Chính phủ như một “liều thuốc” có ý nghĩa vô cùng quan trọng để DN khôi phục tình hình kinh doanh, sản xuất về như cũ. Đại diện các DN kiến nghị, điều mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN lúc này là các cơ quan quản lý và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ được triển khai đúng mục tiêu hỗ trợ hồi phục DN. Về lâu dài, việc vực dậy sản xuất kinh doanh, nhà nước cần hỗ trợ cho DN trong việc giảm tải các thủ tục hành chính, quy định về vốn, đất đai…
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2020 tăng hơn 36%, tương đương 10.700 DN nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. |