Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 Phú Yên ấn định hạn tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh |
Kết quả đáng ghi nhận
Là một trong số các địa phương được đánh giá triển khai tốt công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 10 năm qua (2012-2022) Lâm Đồng đã có số lượng đáng kể các sản phẩm được chứng nhận. Theo đó, địa phương đã có 285 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; 82 sản phẩm cấp tỉnh; 21 sản phẩm đạt cấp khu vực; 13 sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Song song với công tác bình chọn, Sở Công thương Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tính đến hết năm 2022, tổng số lượng các cơ sở được hỗ trợ là 36/262 cơ sở với tổng kinh phí 9.770.000.000 đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 8 cơ sở, kinh phí 2.400.000.000 đồng; khuyến công địa phương hỗ trợ 28 cơ sở, kinh phí 7.370.000.000 đồng.
Nội dung hỗ trợ gồm: Đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua máy móc thiết bị (hỗ trợ có thu hồi kinh phí); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Lâm Đồng tăng giá trị cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Những biện pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực này đã đạt những kết quả đáng ghi nhận khi không chỉ tăng tính hấp dẫn cho công tác bình chọn mà còn giúp sản phẩm tiến ngày một gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng, giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đơn cử, sản phẩm chè olong xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Long Đỉnh sau khi được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hưởng các chính sách hỗ trợ đã tăng khoảng 1,5 lần sản lượng; sản lượng cà phê của Công ty TNHH cà phê Hân Vinh tăng từ 10 tấn/năm lên 20 tấn/năm, công ty cũng mở rộng thêm thị trường mới ở Phú Quốc và Nha Trang; sản phẩm rau củ quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên, công suất các loại sản phẩm chế biến từ 1.500 tấn/năm tăng lên 1.700 tấn/năm, doanh thu từ 85 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng/năm, giải quyết 200 lao động tại địa phương, mở rộng thị trương tiêu thụ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đánh giá về hiệu quả công tác bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Lâm Đồng những năm qua, đại diện Sở Công Thương tỉnh cho rằng đã mang lại hiệu quả cao; giúp các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường, từng bước phát triển thương hiệu; giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tham gia bình chọn đã thay đổi vượt bậc về chất và lượng. Các doanh nghiệp đã chú trọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng mới vào sản xuất giúp sản phẩm công nghiệp nông thôn tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị và doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trong hội nhập kinh tế.
Thêm cơ chế hỗ trợ
Đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng cũng nhận định, số sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện vẫn ít so với số lượng các đơn vị sản xuất công nghiệp nông thôn thực tế có trên địa bàn. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu, chất lượng tốt, có thị phần khá lớn trong và ngoài nước nhưng lại không đăng ký tham gia bình chọn.
Các cơ sở sản xuất chưa khai thác tối đa lợi thế để tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, mặc dù tiềm năng, nguyên liệu của tỉnh dồi dào; chưa quan tâm, chú trọng phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu; chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh để phục vụ du khách.
Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực tài chính từ các tổ chức khác nên còn eo hẹp.
Trước những tồn tại trên, Sở Công Thương Lâm Đồng xác định tìm mọi giải pháp khắc phục, đẩy mạnh công tác bình chọn trong thời gian tới. Địa phương phấn đấu số cơ sở, sản phẩm tham gia bình chọn tăng hơn so với những năm trước từ 15-20%. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo quy định; tăng cường công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn được bình chọn tiêu biểu gắn với các sản phẩm OCOP đến du khách trong và ngoài nước.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở Công Thương Lâm Đồng cũng kiến nghị: Hiện nay thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, cấp quốc gia còn thấp, đề nghị xem xét sửa đổi tăng mức chi nhằm tăng sức hút, kích thích được doanh nghiệp chọn sản phẩm tham gia bình chọn.
Hiện nay, mỗi sản phẩm phải trải qua 1 năm bình chọn ở cấp huyện và tỉnh, 1 năm bình chọn ở cấp khu vực, 1 năm ở cấp quốc gia. Sau 3 năm, tính thời sự của sản phẩm không còn, thậm chí dễ trở thành sản phẩm cũ, không có tính hấp dẫn với thị trường, giá trị của kết quả bình chọn không phát huy được. Do đó, cần cải tiến công tác bình chọn, thời gian bình chọn rút ngắn lại (bình chọn ở cấp khu vực và cấp quốc gia thực hiện trong 1 năm) để nhanh chóng phát huy giá trị thực tế của việc công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Bộ Công Thương quan tâm bố trí nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ các chương trình, đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nhất là các sản phẩm đạt cấp khu vực, cấp quốc gia; có cơ chế hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí quốc gia cho các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu mang tầm chiến lược.