Thứ năm 15/05/2025 01:10

Lâm Đồng đẩy nhanh kiện toàn bộ máy sau sáp nhập

Tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu chính quyền địa phương ở cả hai cấp, đẩy nhanh kiện toàn bộ máy sau sáp nhập.

Trước yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh theo chủ trương của Trung ương nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu chính quyền địa phương ở cả hai cấp. Trong đó, việc kiện toàn bộ máy cấp xã, đặc biệt là công tác cán bộ, được xem là yếu tố then chốt, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, ổn định và hiệu quả.

Từ 137 đơn vị hành chính còn 51 đơn vị

Theo ông Trần Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi có chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, UBND tỉnh đã tham mưu Đảng ủy UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU ngày 25/3/2025 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, triển khai các nội dung liên quan.

Một góc TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Sơn

Để thực hiện việc sắp xếp bộ máy cấp xã, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh xây dựng phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập. Phương án này bao gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND. Dự kiến, phương án sẽ hoàn thành và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định trước ngày 10/6/2025.

Theo kế hoạch, sau sáp nhập, toàn tỉnh sẽ giảm từ 137 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 51 đơn vị (gồm 9 phường và 42 xã), giảm 86 xã, tương ứng với mức tinh gọn 62,77%.

Cùng với đó, để xây dựng phương án nhân sự, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã dự thảo Quy định về tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh để bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã sau sắp xếp và dự thảo phương án khung về tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030; 2021 - 2026, 2026 - 2031. Hiện nay, các ý kiến góp ý của Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đang được tổng hợp để hoàn thiện phương án nhân sự.

Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Ảnh: Lê Sơn

UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3751/UBND-TKCT ngày 13/4/2025 giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tương ứng thuộc tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông xây dựng Đề án sáp nhập các sở, ngành; phương án bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và tại Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới. Sắp xếp bảo đảm công tác quản lý nhà nước và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập; hoàn thành song song Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.

Đến nay, 15/15 sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông; hoàn thành việc xây dựng Đề án sáp nhập các sở, ban, ngành của 3 tỉnh.

Bảo vệ các quyền lợi chính đáng

Thực hiện Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất, đến nay, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài việc sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP còn phục vụ cho công tác thực hiện Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, có bố trí trụ sở làm việc, tài sản là xe ô tô và các tài sản khác thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Nơi làm việc sẽ bố trí sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tại Đề án số 4442/ĐA-UBND ngày 28/4/2025 của UBND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng năm 2025; trong đó đã xác định cụ thể nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã mới). Đồng thời, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng đã được HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp tại Nghị quyết số 406/NQ-HĐND ngày 28/4/2025.

Ga Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn

Số trụ sở còn lại sau khi hoàn thành công tác sắp xếp; đơn vị hành chính cấp xã mới, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp nhận toàn bộ cơ sở nhà, đất, có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo đúng quy định; đối với các trụ sở dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…); giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản…) hoặc giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật về đất đai theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025.

Riêng đối với trụ sở làm việc cũ của UBND các phường thuộc địa bàn TP. Đà Lạt dôi dư sau sắp xếp, đề nghị tạm thời bố trí làm nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động sau khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh mới

Tại thời điểm hiện nay, thông qua công tác tổng kiểm kê và rà soát, sắp xếp nhà, đất theo Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông đã nắm được số lượng, diện tích và hiện trạng sử dụng của từng trụ sở. Phương án bố trí trên cơ sở sử dụng các trụ sở hiện có, có thể bố trí hoạt động được ngay, hạn chế việc sửa chữa lớn kéo dài thời gian; đáp ứng được điều kiện để làm việc.

Trụ sở bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và tại Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng (mới) theo Văn bản số 366/SNV-TCCCVC ngày 21/4/2025 của Sở Nội vụ. Đồng thời, có dự phòng một số cơ sở dôi dư để khi cần thiết thì kịp thời bố trí, bổ sung.

Bên cạnh việc bố trí, sắp xếp lại nhân sự hợp lý, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ về tinh giản, nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, đào tạo lại... sẽ được thực hiện đúng đối tượng, kịp thời và công khai, minh bạch. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực sẽ được tạo điều kiện để tiếp tục rèn luyện, cống hiến trong bộ máy mới. Đây chính là lực lượng kế thừa quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đến thời điểm ngày 30/4/2025, tỉnh Lâm Đồng có 44 trường hợp nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP với tổng kinh phí thực hiện hơn 47,081 tỷ đồng.

Dự kiến, đến ngày 31/12/2025, tỉnh Lâm Đồng có 1.097 trường hợp nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP với tổng kinh phí dự kiến thực hiện hơn 1.140 tỷ đồng.

Theo Sở Tài chính Lâm Đồng, hiện có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức của 2 tỉnh Đăk Nông và Bình Thuận. Sau khi giảm 20% số lượng công chức còn khoảng 1.760 công chức, trong đó có khoảng 50% có nhu cầu về chỗ ở là 880 người.

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cũng lên phương án bố trí xe ô tô, máy móc, thiết bị làm việc với tổng số 825 xe hiện có. Dự kiến tổ chức, đối với xe ô tô chuyên dùng, xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung, các đơn vị đang quản lý tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc phân bổ cho các đơn vị hành chính mới (xã, phường) theo quy định.

Lê Sơn - Duy Tín
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Lâm Đồng