Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam
DN Hoa Kỳ lạc quan về sức hồi phục kinh tế
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, khảo sát mới nhất của Amcham cho thấy bức tranh hồi phục hoạt động sản xuất của DN Hoa Kỳ tại Việt Nam khá lạc quan. Đã có hơn 60% thành viên trả lời khảo sát cho hay DN đã quay trở lại hoạt động ở mức 80% công suất bình thường, 85% hoạt động ở mức 60% công suất bình thường trở lên. Đối với những công ty chưa đạt công suất bình thường, 25% dự kiến sẽ đạt được 100% vào cuối năm, với hơn 60% dự kiến sẽ trở lại bình thường vào quý 1/2022 và hơn 90% vào quý 2/2022. Gần 80% đánh giá là rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung - dài hạn của DN Hoa Kỳ tại Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc mở rộng đầu tư thêm trong thời gian tới.
Cần linh hoạt, thống nhất trong phòng chống dịch tại các DN nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn sản xuất |
Ông Kheng Joo Ung - Tổng giám đốc Công ty First Solar Việt Nam cho hay sau 99 ngày thực hiện "3 tại chỗ" và kết thúc vào ngày 21/10, nhờ các biện pháp phòng ngừa và độ phủ vacine tăng nhanh mà DN tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. DN đang muốn tăng công suất 10% ngay trong quý 1/2022.
Tổng giám đốc CocaCola tại Việt Nam và Campuchia- ông Leonardo Garcia cũng tin tưởng, lạc quan nền kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại và phục hồi tốt vào cuối năm nay hoặc trong đầu quý 1/2022. Hiện DN này đã có giấy phép mở rộng đầu tư ở Việt Nam để đón xu hướng này.
Việc triển khai phủ vaccine của Việt Nam rất ấn tượng, điều đó đã cho phép việc tái mở cửa và phục hồi kinh tế diễn ra một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn. Các chính sách cần sự nhất quán trên khắp đất nước trong vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với dịch bệnh sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế. Tự do hóa yêu cầu đi lại quốc tế của các chuyên gia nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của các DN đã có mặt tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới trong thời gian tới - Bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.
Cần linh hoạt, thống nhất trong phòng chống dịch
Bà Mary Tarnowka cho biết thêm việc hạn chế về tuyến đi lại quốc tế là yếu tố chính hạn chế hoạt động hiện nay của DN kéo theo đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí. Vì thế các DN rất cần các chính sách nhất quán trên toàn quốc để cho phép "Chung sống an toàn với dịch bệnh” . Các thủ tục trong việc hợp thức hoá và đi lại của chuyên gia nước ngoài cần thống nhất, tinh gọn. Bởi hiện nay các chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam gặp khó khăn khi phải cách ly 7 ngày, ở nước ngoài những người này đã chích mũi 2, thậm chí mũi 3, song qua Việt Nam vẫn phải cách ly một tuần ảnh hưởng đến thời gian của chuyên gia và DN.
Bên cạnh đó các DN cần thu hút người lao động trở lại và giữ chân họ, vì thế các DN Hoa Kỳ kiến nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương cần đảm bảo tiếp cận vaccine, kể cả kế hoạch tiêm mũi thứ 3 ít nhất là trong thời gian 6 tháng sắp tới để các DN có thể yên tâm cũng như thực hiện các kế hoạch mở rộng đầu tư hậu dịch bệnh. Thực hiện cải cách hành chính nhằm hợp lý hóa các quy định và thúc đẩy tính minh bạch, đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông để tăng trưởng bền vững và tiếp tục đầu tư vào giáo dục đào tạo một lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu.
Khi thời điểm cuối năm đến gần, mối quan tâm của các DN còn là việc mở cửa đi lại du lịch, thăm viếng người thân, chất lượng chăm sóc y tế cần đảm bảo nếu họ hoặc thành viên trong gia đình xuất hiện các triệu chứng do nhiễm bệnh nghiêm trọng...
Theo đánh giá của Amcham, tính đến nay TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu về tỷ lệ tái mở cửa và phục hồi ở mức 3,6 trên thang điểm 5; tiếp theo là Hà Nội với 3,5; Hải Phòng và Bắc Ninh đứng thứ ba với 3,4.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)