AI thâm nhập ngành dược phẩm: Lợi thế của FPT Long Châu Chủ tịch FPT đề nghị đưa AI vào chương trình giáo dục FPT Long Châu và Báo Nhân Dân ký kết hợp tác - chung tay vì sức khỏe cộng đồng |
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực.
Chiều 7/5, Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW đã diễn ra tại Hà Nội. Trong diễn đàn, các diễn giả đều nhận định, con người là yếu tố quyết định làm nên thành công khi đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống.
Cũng từ đây, khái niệm “kỹ sư 57”, biểu tượng của những thay đổi lớn lao và quyết liệt của đất nước ra đời.
Đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống, con người là yếu tố quyết định
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - chia sẻ, trong suốt 9 năm qua, khi đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân, Ban IV luôn trăn trở với một câu hỏi lớn: Làm sao để kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nền kinh tế quốc gia?
Ở giai đoạn đầu, Ban IV đã mày mò, hay còn gọi là sự nỗ lực tìm đường. Nhưng sau đó, các thành viên không khỏi cảm thấy ấm ức khi nhận thấy mọi thứ vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu dù Việt Nam có rất nhiều người tài, doanh nghiệp mạnh, đầy khát vọng.
“Tuy nhiên, thật bất ngờ và rất đáng mừng, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết mang tính nhất quán, xuyên suốt, từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đến ngoại giao kinh tế. Trong bối cảnh mới đó, yếu tố quyết định chính là con người, đội ngũ đủ năng lực để thực thi”, bà Ngọc Thủy nhấn mạnh vào vai trò của con người.
Theo bà Ngọc Thủy, câu chuyện thực thi Nghị quyết 57 càng nâng tầm vai trò của con người. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, chúng ta cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới, những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại.
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đánh giá, Nghị quyết 57-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho toàn xã hội, đặc biệt trong việc huy động và phát triển nguồn lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo ông Thanh Tùng, dù đã có chiến lược rõ ràng, nhưng khâu thực thi vẫn là một thách thức lớn. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng bộ và toàn diện từ cơ chế, chính sách, thể chế cho đến văn hoá tổ chức.
Dù có rất nhiều yếu tố tạo nên thành công nhưng điều quyết định, theo ông Thanh Tùng, lại chính là ở con người. Và VietinBank cũng đặt con người làm trung tâm trong mọi định hướng phát triển.
![]() |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh vào những thay đổi quyết liệt và thần tốc đang diễn ra ở Việt Nam. Ảnh: Vân Khánh |
“Kỹ sư 57”, biểu tượng của thay đổi lớn lao, quyết liệt
Xác định con người là yếu tố quyết định tạo nên thành công. Nhưng sử dụng con người như thế nào lại là vấn đề lớn. Tại đây, các diễn giả đều cho rằng, giáo dục, đào tạo chính là kim chỉ nam. Và giáo dục ở đây không phải giáo dục đơn thuần mà phải “gấp”, “thực tiễn”,… Những sinh viên được đào tạo theo cách mới này đã trở thành biểu tượng của thay đổi lớn lao, quyết liệt. Họ được gọi là “Kỹ sư 57”.
Cụ thể, tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhấn mạnh vào những thay đổi quyết liệt và thần tốc đang diễn ra ở Việt Nam. Đó chính là niềm tin vào Việt Nam, một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ.
“Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta buộc phải vừa chạy vừa xếp hàng, kể cả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Mới đây, khi làm việc với Thành ủy Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã đề nghị chúng tôi đưa ngay lực lượng kỹ sư 57 vào các cơ quan, đơn vị. Con số 57 giờ đây không chỉ là một nghị quyết mà là biểu tượng cho những thay đổi lớn lao và quyết liệt của đất nước. Giờ đây, các sở, ngành và địa phương đều sẵn sàng tiếp nhận lực lượng kỹ sư này. Vậy nên yêu cầu đặt ra là phải đào tạo gấp, đào tạo thực tiễn, đào tạo trong thời gian chưa từng có tiền lệ”, ông Trương Gia Bình lần đầu tiên đưa khái niệm “kỹ sư 57”.
Ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi, một "kỹ sư 57" cần có những kỹ năng gì để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới?
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, cho rằng, những “kỹ sư 57” cần kiến thức công nghệ, nhưng quan trọng hơn là kỹ năng thực tiễn để tham gia công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, những nơi đang và sẽ chuyển đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Lê Thanh Tùng chia sẻ, theo tinh thần Nghị quyết 57, một cán bộ ngân hàng thế hệ mới hay còn gọi là “kỹ sư 57” cần hội tụ các yếu tố sau: Có kiến thức nền tảng và cập nhật về công nghệ số: Tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây; Có năng lực ngoại ngữ, để hội nhập và tiếp cận tri thức quốc tế; Biết quản trị bản thân, quản lý đội nhóm và tiến tới quản trị tổ chức một cách hiện đại, dựa trên dữ liệu và minh bạch; Có khả năng tự học suốt đời, thích nghi linh hoạt với môi trường biến động và đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ đề xuất ba nhóm "kỹ sư 57" cần được đào tạo và phát triển: Kỹ sư khoa học công nghệ chuyên ngành, những người hiểu sâu ngành, như ngân hàng, logistics, sản xuất…; Nhà quản trị và quản lý thông minh, biết ứng dụng dữ liệu và công nghệ để ra quyết định, quản lý hiện đại; Chuyên gia phân tích nghiệp vụ (BA), kết nối giữa quy trình, dữ liệu và công nghệ, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống vận hành.
![]() |
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ đề xuất ba nhóm kỹ sư 57 cần được đào tạo và phát triển. Ảnh: Vân Khánh |
Giáo dục phải thay đổi có chiều sâu
Có thể thấy, muốn việc thực thi Nghị quyết 57 thành công, các diễn giả đồng tình rằng con người là yếu tố quyết định. Con người ở đây không phải nhân lực bình thường mà chính là “kỹ sư” 57, những cá nhân được đào tạo “gấp”, “thực tiễn”, “chưa có tiền lệ”,… Và muốn có được kỹ sư 57, giáo dục cần phải thay đổi có chiều sâu, có liên minh, liên kết. Đó là lý do Liên minh Nhân lực chiến lược ra đời.
TS. Lê Trường Tùng phân tích, trước bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng và tinh thần đổi mới thể hiện rõ trong các nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, lãnh đạo FPT nhận thấy rằng, giáo dục không thể tiếp tục vận hành theo cách của 3 - 5 năm trước, mà phải đổi mới sâu sắc.
Vậy làm thế nào để đổi mới sâu sắc? Ông Trương Gia Bình kỳ vọng, Liên minh Nhân lực Chiến lược sẽ thực sự kiến tạo được những thay đổi có chiều sâu.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, ông đặc biệt tâm đắc với sáng kiến của FPT và ông Trương Gia Bình về việc thành lập Liên minh Nhân lực Chiến lược. “Đây là một ý tưởng có tầm nhìn, thiết thực và đúng thời điểm”, ông Lê Thanh Tùng bình luận.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT: "Để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57, chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai. Đó là lý do Liên minh Nhân lực Chiến lược ra đời. Tôi cho rằng, đây không chỉ là nỗ lực của riêng FPT mà cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực, chúng ta có thể giúp các em, những chủ nhân tương lai của đất nước sớm xác định được vai trò, vị trí và hành trình phát triển của bản thân trong nền kinh tế tri thức".
Ông Trương Gia Bình kết luận: Một trong những sứ mạng mới của các trường đại học là truyền cảm hứng về khát vọng và tinh thần chiến thắng, giống như Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức. Tham dự sự kiện dự kiến có lãnh đạo Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật mật mã, Trường Đại học FPT, Ban IV, lãnh đạo các doanh nghiệp như Tập đoàn FPT, Vietinbank và các cơ quan truyền thông. |