Kỷ niệm 133 năm Ngày thành lập tỉnh Thái Bình: Sức hút mới trên “quê hương năm tấn”
Hơn 1.000 năm danh xưng – Thái Bình
Từ hơn 4.000 năm trước, người Việt cổ đã sinh sống dọc theo bờ con sông Hồng với dấu tích của các thềm phù sa cổ Vĩnh Phúc, Hà Bắc tiến dần về hướng Ðông Nam đồng bằng ven biển. Hạ nguồn con sông, nơi “đổ về với biển” cũng đã xuất hiện dấu tích của những cư dân không quản một nắng, hai sương “quai đê, lấn biển” để hình thành nên một mảnh đất với phù sau màu mỡ, trù phú cho muôn đời.
Ngược dòng lịch sử, lần theo những ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thái Bình trong cuốn sách Những nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người Thái Bình cho biết: Vào khoảng thế kỷ 7-6 trước Công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hóa, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên một đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.
Cùng với quá trình hình thành đất đai và cư dân, địa vực Thái Bình đã được đưa vào địa dư hành chính quốc gia với nhiều cấp độ và thay đổi khác nhau. Đầu Công nguyên, Thái Bình nằm trong vùng đất phía nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Thế kỷ thứ X, khi Ngô Quyền xưng vương, Thái Bình thuộc đất Đằng Châu (bao gồm cả Thái Bình, Hưng Yên sau này). Thời Tiền Lê, năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), Lê Đại Hành đổi đạo làm lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương. Khi Lê Long Đĩnh lên ngôi (1005-1009) đổi Đằng Châu là phủ Thái Bình, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” tên phủ Thái Bình có từ đấy.
Cầu Bo một trong những biểu tượng khi nhắc đến tỉnh Thái Bình |
Thế kỷ 12 - 13 dưới triều Trần, trên mảnh đất Thái Bình, cư dân đã đông đúc, các làng xã đã khá ổn định, Thái Bình lúc này thuộc đất đai của hai lộ (phủ) Long Hưng và Thiên Trường; về sau vẫn thuộc lộ Long Hưng, phần còn lại thuộc hai lộ mới là Kiến Xương và An Tiêm được tách ra từ lộ Thiên Trường. Dưới lộ là huyện, hương (xã).
Ðến thời Tây Sơn, Thái Bình thuộc Trấn Sơn Nam Hạ, về địa danh có đổi phủ Thái Bình thành phủ Thái Ninh, còn đơn vị hành chính vẫn cơ bản như thời Lê.
Thời Nguyễn (thế kỷ XIX), địa danh cơ bản vẫn như trước. Riêng phủ Thái Ninh được trả lại tên cũ là phủ Thái Bình; đổi Thanh Lan thành Thanh Quan (thời Gia Long); đến thời Minh Mệnh nhập vào phủ Kiến Xương); đến thời Tự Ðức, Thanh Quan lại nhập vào phủ Thái Bình, thời Ðồng Khánh đổi huyện Chân Ðịnh thành huyện Trực Ðịnh. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), sau cuộc khẩn hoang - Thái Bình có thêm huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu; 2.300 suất đinh; 7 tổng; 40 làng; 27 ấp; 20 trại và 40 giáp.
Trải qua những tên gọi khác nhau và quá trình tách, nhập theo mỗi triều đại, Thái Bình chỉ thực sự là một tỉnh có địa giới độc lập vào ngày 21/3/1890, khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm hai huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh-một đơn vị hành chính độc lập, gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 10/4/1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.
Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, thị xã Thái Bình được công nhận là thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29-4-2004 của Chính phủ).
Thái Bình bứt phá để trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt
Với vị trí trọng yếu cửa ngõ, Thái Bình cũng sớm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Trong nhiều thập kỷ, người dân Thái Bình đã không ngừng bồi đắp ý chí kiên cường, bất khuất, lập nên bao kỳ tích trong đấu tranh để bảo vệ quê hương. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thái Bình là tỉnh đi đầu thực hiện phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, với những hy sinh to lớn và đóng góp xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trong 2 cuộc trường chinh vệ quốc, gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trải qua các cuộc kháng chiến, hơn 51.000 người con quê hương đã hi sinh, nằm lại khắp các chiến trường; gần 33.000 đã để lại một phần máu xương; 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với nước...
Vượt lên khó khăn và mất mát, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những thành công xuất sắc.
Một góc Thái Bình hôm nay - Ảnh Sở VH,TT&DL |
Khi biết tin Thái Bình giành thắng lợi lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm. Nói chuyện với nhân dân Thái Bình, “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.
Ghi nhớ lời Bác dạy trong suốt những năm qua, từ một tỉnh với nền công nghiệp chậm phát triển so với các tỉnh trong vùng, Thái Bình giờ đây đang trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,52% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 6/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh thành trong cả nước. Kinh tế của tỉnh có sự phục hồi rõ nét và phát triển toàn diện, vững chắc và đúng hướng, đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, là năm thứ 2 liên tiếp thuộc Top đầu cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 151,1% dự toán được giao, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Thái Bình không còn là vùng đất ốc đảo cách trở với ba mặt sông, một mặt biển mà hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thái Bình đã thành lập tổ xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc - Korea Desk Thái Bình |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cho biết: Từ vị thế bị cách trở, Thái Bình với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực, tạo ra lợi thế không nơi nào có được bằng việc xây dựng các tuyến đường nội tỉnh và liên vùng nối Thái Bình với các tỉnh trong vùng từ đó hình thành nên các tuyến vận tải đường bộ và đường sông. Khi hình thành nên những trục tuyến giao thông sẽ giúp Thái Bình trở thành cửa ngõ ra biển và phát triển các hạ tầng logistics, thương mại.
Hiện thực hóa chủ trương này, hiện hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong 2 năm qua, hàng loạt tuyến đường mới được mở ra, nhiều tuyến đường cũ được nâng cấp như quốc lộ 10, quốc lộ 39, quốc lộ 37, tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 454, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, hệ thống tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình... Mạng lưới giao thông đường bộ của Thái Bình hiện có hơn 150 km quốc lộ, hơn 300 km đường tỉnh và gần 8.900 km đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ.
Nhằm tạo ra lợi thế thu hút đầu tư, ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Đến nay, hàng nghìn héc-ta đất của Khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công ty Toyoda Gosei (Nhật Bản) đầu tư dây chuyền sản xuất vô-lăng ô-tô tại Khu công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) thu hút hơn 1.000 lao động địa phương - Ảnh Mai Tú |
Đặc biệt, với chính sách ưu đãi đặc thù, cộng với vị trí thuận lợi khi gần sân bay Cát Bi và cảng biển Hải Phòng, Khu kinh tế Thái Bình đang trở thành “điểm nóng” trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình. Trong đó, sau hai năm triển khai xây dựng hạ tầng, hiện nay Khu công nghiệp Liên Hà Thái (nằm trong Khu kinh tế Thái Bình) thu hút được 720 triệu USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (tương đương 17 nghìn tỷ đồng).
Cùng với đó, các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư được Thái Bình chỉ đạo tháo gỡ theo hướng thực chất, hiệu quả; kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án đầu tư không có tính khả thi hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện.
Với những quyết tâm cao nhất của toàn hệ thống chính trị, những “quả ngọt” đã được hình thành khi chỉ tính riêng năm 2022, đã có 1.137 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có lên 9.771 doanh nghiệp. Điều đáng nói, đây là năm đầu tiên vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2022 đạt 12,468 nghìn tỷ đồng, trong đó, số thu từ thuế và phí của các doanh nghiệp chiếm hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh thu hút được 104 dự án với tổng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2021, trong đó vốn FDI trên 660 triệu USD.
Sau 133 năm kể từ khi có chính thức tên gọi Thái Bình (21/3/1890- 21/3/2023) những con số kể trên và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình, một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với đà tăng trưởng trong thu hút đầu tư như hiện nay, Thái Bình đang tạo ra thế và lực mới để đưa kinh tế cất cánh, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh để sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.