Kỷ lục chưa từng có trong 32 năm lịch sử ghép tạng
Ngày 11/10, tại Hội thảo "Khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai", tổ chức tại Học viện Quân y, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - cho biết: 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 25 ca chết não hiến mô tạng. Điều này góp phần tăng tỷ lệ và số ca được ghép tạng từ nguồn người hiến chết não. Cụ thể, có 87/829 ca (gần 10,5%,, trong khi trước đây là 5-6%) ca được ghép tạng từ người cho chết não.
"Đây là kỷ lục chưa từng có trong 32 năm lịch sử ghép tạng", PGS. Đồng Văn Hệ nói và cho rằng, con số này thể hiện nỗ lực của công tác vận động, truyền thông hiến tạng cứu người đến người dân.
Ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Trung ương Huế dành một phút mặc niệm trước nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Ảnh: Bộ Y tế |
Năm 1992, Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, là ca ghép thận từ người cho sống. Đến nay, các y - bác sĩ Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 trường hợp ghép tạng, trong đó, có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 ca ghép gan, làm chủ nhiều kỹ thuật khó.
"Đến nay, chúng ta có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó, có 27 cơ sở ghép thận, 8 cơ sở ghép gan, 5 cơ sở ghép tim, 4 cơ sở ghép phổi...", PGS. Hệ thông tin.
Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng; tiếp cận gia đình, người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - cho biết, năm 2023, 1.000 người được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đa số nguồn tạng lấy từ người hiến còn sống. Người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên.
Thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, số người đăng ký hiến tạng và người hiến chết não tăng rất nhanh những năm gần đây.
Theo bà, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong các quy định của pháp luật hiện hành trong điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
"Rào cản đầu tiên chính là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm "chết phải toàn thây", e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết; cùng đó là tâm lý sợ ảnh hưởng đến gia đình, phần lớn người dân chưa nhận thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.
Ngoài ra, người dân còn chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký hiến tạng… Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường vận động người dân theo từng nhóm đối tượng, cần thiết phải thay đổi các quy định về việc hiến mô, tạng để giúp tăng nguồn tạng, từ đó sẽ có nhiều cuộc đời được hồi sinh và nhiều cái chết không chỉ "về với cát bụi" mà sẽ nhân thêm sự sống, mang lại nhiều hạnh phúc cho cuộc đời", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích.
Tại hội thảo, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng đã trao giấy khen cho TS.BS Nguyễn Lê Trung - Phó Chủ nhiệm khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103. Trước đó, khi mẹ qua đời, nén đau buồn, bác sĩ Trung quyết định gọi điện đến Ngân hàng mô để hiến giác mạc của bà. Khi giác mạc được lấy xong, anh ôm mẹ lần cuối, bật khóc...
Trong thời gian từ ngày 7-12/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp với Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y lần đầu tiên tổ chức "Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024". Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các bệnh viện trong cả nước và 8 chuyên gia tới từ các nước có số lượng tạng hiến từ người chết cao nhất thế giới (Tây Ban Nha), cao nhất châu Á (Hàn Quốc), cao nhất Đông Nam Á (Thái Lan)… |