Kỳ II: Chính sách phải đi trước một bước
Cần nhiều chính sách ưu đãi cho ngành nông nghiệp |
Đầu tư hạ tầng cho phát triển nông nghiệp
Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết, khoảng 2 - 3 năm gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên mới tập trung phân phối sản phẩm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân các DN đưa ra là cơ sở hạ tầng cho ngành Nông nghiệp tại Việt Nam còn thiếu và yếu. Cụ thể, hạ tầng giao thông kém phát triển, hệ thống máy móc bảo quản nông sản của Việt Nam hầu như không có. Việt Nam cũng chưa có nhiều chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp, đây là nguyên nhân khiến điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” liên tục diễn ra trong thời gian qua.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - chia sẻ: Tôi đã từng có chuyến đi thực tế với đoàn doanh nhân Nhật Bản. Khi đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), họ nói, đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng không có quốc gia nào lại có vùng nông nghiệp đẹp như ĐBSCL của Việt Nam. Nhưng khi tôi hỏi: DN của ông có muốn đầu tư vào đây không?, thì họ trả lời dứt khoát là: Không!. Tại sao lại như vậy? ông Đặng Kim Sơn cho biết: Lý do họ đưa ra là ĐBSCL rất đẹp, rất tiềm năng cho phát triển ngành Nông nghiệp, nhưng vùng này không có đường sắt, hầu như không có đường cao tốc, đường hàng không thì đơn giản chỉ để chở khách.
Không riêng gì ĐBSCL, rất nhiều vùng đất khác của Việt Nam, điển hình như Tây Nguyên cũng có ưu thế về phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn khó thu hút đầu tư một phần cũng là vì cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp chưa đủ sức hấp dẫn.
Nhà nước đi trước một bước
Để giải quyết khó khăn liên quan đến những vướng mắc về đất đai, TS. Đặng Kim Sơn nêu ra 3 giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người không cần đến đất nữa, hoặc sử dụng đất kém hiệu quả chuyển giao lại cho những người có năng lực quản lý tốt hơn bằng cách mua bán quyền sử dụng đất. Muốn làm được điều này cần cải tiến thủ tục hành chính để giảm chi phí giao dịch; tạo điều kiện thuận lợi để tăng mức hạn điền, người mua có thể mua với quy mô rộng hơn. Thứ hai, cho phép người có nhu cầu được thuê mướn, ký hợp đồng với người muốn chuyển sang hoạt động ở các lĩnh vực khác. Thứ ba, tạo điều kiện cho người nông dân có thể dùng đất để góp vốn, liên doanh liên kết với DN, hoặc các hợp tác xã, biến đất thành vốn đầu tư, sau này người góp sẽ được chia cổ tức, lợi nhuận.
Bên cạnh đó, nhà nước cần đi trước một bước bằng cách dành ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho ngành nông nghiệp, thay vì chỉ đưa ra những chính sách trên giấy và hô hào DN vào đầu tư. “Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chuyên nghiệp trên toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới” - ông Atsusuke Kawada - khuyến nghị.
TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Muốn tạo được “làn sóng” đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ phải đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. |