Kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất tìm điểm cân bằng mới
Đường cong lãi suất ngày càng rõ nét khi lãi suất đã có xu hướng tăng nhẹ. Dự báo những tháng cuối năm mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.
Từ đầu Quý 2 năm nay, thị trường nhận thấy mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng; và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0.5% đến 1% cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ Cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn. Tuy nhiên hai mức lãi suất điều hành chính thức là lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục nối dài danh sách các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 7 khi vừa thông báo biểu lãi suất huy động tiền gửi mới đồng loạt tăng thêm 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 2 đến 18 tháng.
Dự báo những tháng cuối năm mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới |
Tháng 7, trên thị trường ngân hàng tiếp tục ghi nhận nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần mà thiếu vắng nhóm big 4. Cụ thể: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank lần lượt công bố lãi suất mới với với mức tăng từ 0,1- 0,4%/năm tùy kỳ hạn và tiền gửi. Lãi suất trung bình trên thị trường đang dao động quanh mức trên 3%/năm kỳ hạn 1 tháng và 6%/năm/12 tháng tùy khoản tiền gửi.
Trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tuần đầu tiên của tháng 7 doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.573.651 tỷ đồng, bình quân 314.730 tỷ đồng/ngày, tăng 514 tỷ đồng/ngày so với tuần trước. Mặt bằng lãi suất thiết lập mức mới, các kỳ hạn dưới 1 tháng tăng trong đó lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất (0,71%); kỳ hạn 2 tuần tăng ít nhất (0,17%); lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng đã lên tới 5,71%/năm.
Giới chuyên gia tài chính phân tích, nhu cầu vốn của nền kinh tế bắt đầu tăng từ quý 3 và đạt đỉnh từ đầu quý 4. Để đảm bảo thanh khoản, và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi trong dân cư. Tiền gửi ngân hàng đang phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và nhất là bất động sản nên không thế giữ mãi mức lãi suất thấp như hồi đầu năm nay.
Một điểm đáng chú ý nữa là 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. “Không tăng lãi suất thì lấy đâu vốn cho vay”- một chuyên gia kinh tế thẳng thắn. Quả thực, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 28/6/2024, dư nợ tín dụng đạt 14.384.124 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023 trong khi huy động vốn chỉ tăng xấp xỉ 2%.
Vụ Dự báo và Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), trong điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 3/2024 cũng đã đưa ra kết quả kỳ vọng tăng trưởng huy động vốn cao. Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024, điều chỉnh cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng 6 tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện nhiều hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng.
Từ diễn biến của thị trường, giới chuyên gia phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ thêm 0.25% đến 0.75% trong 6 tháng cuối năm.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, “theo quan điểm của chúng tôi, các diễn biến trên cho thấy chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ từ Cơ quan quản lý trong thời gian qua. Chúng tôi bảo lưu quan điểm đối với các diễn biến lãi suất trên thị trường. Những mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…”
Thực tế là các mức lãi suất thương mại nêu trên đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. “Tuy nhiên từ Quý 2/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới.”, ông Quang nêu quan điểm.
Với mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định, ông Quang nhận định: “Chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0.25% đến 0.75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024”.