Thứ hai 23/12/2024 22:46

Kinh tế Hà Nội: Nỗ lực về đích

5 tháng đầu năm, sản xuất, kinh doanh của Hà Nội phục hồi mạnh mẽ. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là nhiệm vụ thành phố đặt ra trong những tháng cuối năm.

5 tháng đầu năm, kinh tế Hà Nội phục hồi mạnh mẽ. Tập trung đầu tư nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế là nhiệm vụ được thành phố đặt ra trong những tháng cuối năm.

Sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng trong 5 tháng đầu năm

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2022 ước tính đạt 3.796 tỷ đồng, tăng 16,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện được 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 30,5% kế hoạch năm.

Tháng 5/2022, thành phố có 25 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,9 triệu USD, tăng 56,2% số dự án và tăng 49% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, có 11 dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đầu tư đăng ký đạt 6,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 23 lượt, đạt 4 triệu USD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, toàn thành phố thu hút 703 triệu USD vốn FDI, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 129 dự án với số vốn đạt 96 triệu USD; có 69 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 216 triệu USD; 146 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 391 triệu USD.

Trong tháng 5/2022, thành phố có 2,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, giảm 47%. Cộng dồn 5 tháng đầu năm, Hà Nội có 11,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 144,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; thực hiện thủ tục giải thể cho 1,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 12%; 10,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 56%; 6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Về kim ngạch xuất khẩu, tháng 5/2022 ước tính đạt 1.524 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 6.908 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng tương ứng 18,9% trong tháng 5/2022 và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã hỗ trợ trên 2,630 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí trên 2.530 tỷ đồng; bảo hiểm xã hội đã chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 4.850 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 58 tỷ đồng với trên 1.000 khách hàng. Thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 324 tỷ đồng cho 262 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho trên 76.900 lượt người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá, dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,4% kế hoạch nhưng vẫn là con số thấp hơn mức trung bình cả nước đạt 20,45%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022… Cùng với đó, các thách thức trong thời gian tới cũng chưa dự báo đầy đủ được như: Tình hình lạm phát, giá xăng dầu, giá đầu vào nguyên vật liệu, sự biến động của các thị trường bất động sản, chứng khoán...

Tập trung đầu tư nguồn lực đảm bảo về đích

Để tăng tốc phát triển kinh tế; tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công, UBND TP. Hà Nội yêu cầu, từ thành phố tới xã, phường, thị trấn tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch Covid-19 đã ổn định, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển trong tháng 6 và quý III/2022 để bảo đảm mục tiêu về đích trong quý IV/2022.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng; đẩy mạnh xuất nhập khẩu; chủ động có phương án triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế; tháo gỡ ngay khó khăn cho các dự án ODA, dự án FDI, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư. Tinh thần này không chỉ là khẩu hiệu, mà cần gắn trách nhiệm cụ thể. Các địa phương có số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp cần nỗ lực triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng thu ngay từ tháng 6/2022.

Về tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, theo lãnh đạo thành phố, đây là nhiệm vụ được Thành ủy, Bí thư Thành ủy rất quan tâm, chỉ đạo. Do đó, cần ưu tiên tháo gỡ các lĩnh vực lớn theo địa bàn với tinh thần “vào việc cụ thể, giao ban thường xuyên”.

Do đó, UBND thành phố chỉ đạo cụ thể với các sở để giải quyết loạt phần việc về công tác giải phóng mặt bằng, đơn giá xây dựng, thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giao Sở Nội vụ chủ trì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cũng thực hiện công khai kết quả giải ngân hằng tháng, hằng quý.

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện phần mềm quản lý, theo dõi tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố theo hướng quản lý thống nhất, xuyên suốt vòng đời dự án để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, cập nhật, công khai theo quy định.

Từ thành phố tới cơ sở tranh thủ tối đa tình hình dịch bệnh ổn định, tập trung đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 6/2022, đảm bảo cho kịch bản điều hành cả năm 2022 của TP. Hà Nội.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Đồng Tháp thu hút đầu tư 66 dự án, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Hiệu quả vận hành hồ Thủy điện A Vương trong mùa mưa lũ năm 2024

Gia Lai: Học sinh hào hứng với nhiều trải nghiệm thú vị khi được hoá thân thành chiến sĩ

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025