CôngThương - Trả lại quyền định giá cho doanh nghiệp
Nghị định 84 được đánh giá là cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bởi lần đầu tiên Chính phủ trao quyền định giá bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, nếu tham gia bình ổn thị trường sẽ có cơ chế bù đắp...
Tuy nhiên, đánh giá về hơn 2 năm thực hiện Nghị định 84, hầu hết các DN đầu mối nhập khẩu cho rằng, Điều 27- nội dung tiến bộ nhất trong nghị định, cho phép doanh nghiệp tự định giá trong mức độ nhất định- thời gian qua đã không được thực hiện tốt. Chế độ tự định giá chỉ thực hiện trong quý I/2010. Còn sau đó, giá xăng dầu tăng hay giảm đều do Bộ Tài chính định đoạt.
Mục đích của Nghị định 84 là điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, vậy nên việc cơ quan quản lý thay doanh nghiệp định giá trong suốt một thời gian dài là không phù hợp. Vì thế, ngày 29/6/2012, Bộ Tài chính “thả” lại quyền quyết định giá cho doanh nghiệp. Điều này càng khẳng định quyết tâm của Chính phủ tiếp tục điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường.
Mặc dù quyền tự định giá bán xăng dầu đã được trả lại cho doanh nghiệp, song Liên Bộ Tài chính- Công Thương vẫn tiếp tục giám sát việc định giá của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá, do có biến động tạo chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành nhưng trước khi điều chỉnh, doanh nghiệp phải đăng ký giá với Liên Bộ để xem xét lựa chọn phương án xử lý hài hòa giữa điều hành thuế, phí, Quỹ Bình ổn và giá xăng dầu cho phù hợp.
Khoản lỗ hơn 5.000 tỷ đồng chưa được xử lý
Theo Nghị định 84, doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia bình ổn giá được bù đắp lại những chi phí tham gia, nhưng thực tế, thời gian qua, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu luôn chậm hơn biến động giá thế giới, vì thế giá bán lẻ luôn thấp hơn giá cơ sở. Trong khi đó, để kiềm chế lạm phát, 3- 4 doanh nghiệp đầu mối lớn nhất (Petrolimex, PV Oil, Petex) phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là “nén giá”, tăng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt do các doanh nghiệp nhỏ bỏ thị trường. Do đó, doanh nghiệp càng lớn lỗ càng to.
Vì chưa có quy định cụ thể bù đắp những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, hậu quả là các DN bị lỗ hơn 5.000 tỷ đồng, đến nay chưa có hướng xử lý.
Điều này gây khó khăn về tài chính cho các DN, làm cho vốn của chủ sở hữu đã ít lại càng bị áp lực do khoản vay tín dụng ngày một tăng (năm 2010 vay tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 189% vốn chủ sở hữu, năm 2011 vay tín dụng gần 27.000 tỷ đồng, tương đương 193% vốn chủ sở hữu), khó khăn về vay tín dụng ngân hàng để kinh doanh xăng dầu, khó khăn trong nhận tín dụng mua xăng dầu của đối tác nước ngoài, khó duy trì ổn định hệ thống phân phối xăng dầu…
Những tồn đọng cần tiếp tục xử lý
Trong đánh giá về Nghị định 84, các DN cũng kiến nghị, chi phí kinh doanh định mức được quy định từ năm 2009 đến nay không còn phù hợp (bao gồm cả chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý). Bên cạnh đó cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá, tổ chức và quản lý hệ thống phân phối, quản lý chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối… thực tế khi thực hiện nghị định còn nhiều điểm bất cập nên cũng cần sửa đổi hợp lý.
Đặc biệt, để ổn định thuế trong chi phí kinh doanh xăng dầu, các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu mong muốn Nhà nước áp thuế nhập khẩu cố định theo khối lượng (trong vòng 1 năm hoặc chí ít là 1 quý).
Đồng thời để minh bạch, công khai cách tính giá xăng dầu, Bộ Tài chính (là cơ quản quản lý khách quan nhất) nên thường xuyên niêm yết giá cơ sở xăng dầu theo thời gian nhất định.
Trao quyền định giá cho doanh nghiệp nhưng Liên Bộ Tài chính, Công Thương sẽ giám sát chặt chẽ. Khi muốn điều chính giá bán, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải đăng ký với Liên Bộ để xem xét phương án hài hòa nhiều bên. |