Nhiều cây xăng trên quốc lộ 91 vẫn còn đóng cửa.
CôngThương - Trước tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có biểu hiện bất thường, lực lượng quản lý thị trường trong toàn tỉnh An Giang đã tập trung công tác giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, động viên cửa hàng mở cửa bán bình thường.
Qua kiểm tra đã lập biên bản 7 cửa hàng ngưng bán ở huyện Thoại Sơn. Đặc biệt, phát hiện doanh nghiệp tư nhân Thiện Tính (khóm Long Thạnh, phường Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), thuộc hệ thống Công ty Dầu khí Đồng Tháp, bán xăng cao hơn giá niêm yết: 17.000 đồng/lít (giá niêm yết 16.400 đồng/lít); cửa hàng xăng dầu của Công ty Vận tải Châu Đốc- cây xăng Xí nghiệp Cơ khí Châu Đốc (khóm Châu Long, phường Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang thuộc hệ thống Công ty Dầu khí Mekong hết xăng bán ra.
Nguyên nhân do số lượng xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối phân phối về hạn chế, nên hiện cửa hàng chỉ bán dầu. Đây cũng chính là nguyên nhân của nhiều cửa hàng xăng dầu trong tỉnh phải đóng cửa.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở khu vực ĐBSCL, sức ép tăng giá bán xăng dầu đang cao khi mỗi lít xăng dầu lỗ gần 2.000 đồng.
Bởi vậy, trước tình cảnh càng bán nhiều càng lỗ và xuất phát từ khó khăn về nguồn cung, các cửa hàng buộc phải đóng cửa để cắt lỗ.
Bên cạnh, các đại lý cũng dự đoán giá xăng dầu sẽ tăng sau Tết, trông chờ Nhà nước điều chỉnh, nên đã găm hàng để chờ lên giá.
Ông Phan Kim Sa- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Việc khan hiếm xăng là do loạn thông tin tăng giá xăng dầu nên dẫn tới việc một số đại lý bán hạn chế”.
Trước thực tế trên, ngành công thương ở một số địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại các đại lý kinh doanh thuộc hệ thống, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, về chức năng được giao ngành tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi đầu cơ, xuất lậu qua biên giới, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán ra.
Ông Phan Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi tập trung các biện pháp kiểm tra. Bên cạnh đó, ở tuyến biên giới và nội địa, Chi cục tập trung giám sát để đấu tranh với các trường hợp vi phạm về kinh doanh xăng dầu”.
Tâm lý găm hàng đón đầu giá xăng dầu lên của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương trong khu vực ĐBSCL đã đẩy nhiều người dân vào cảnh điêu đứng.
Chị Trần Thị Mai, một người dân ở thị xã Châu Đốc than thở: “Mấy hôm nay đi mua xăng mà không thể mua được. Hôm trước chị tôi cũng phải dắt xe về nhà do không tìm được điểm bán xăng”.
Cùng với việc không đáp ứng nhu cầu đi lại thì người dân sản xuất nông nghiệp rất khó mua được dầu phục vụ cho các hoạt động sản xuất, nhất là máy gặt đập sử dụng dầu diesel hỗ trợ sức người thu hoạch vụ lúa đông xuân đang vào cao điểm như hiện nay. Do vậy, rất cần các cấp, các ngành các tỉnh, thành ĐBSCL triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm bình ổn thị trường xăng dầu./.