Lác đác người mua sau giãn cách
Trái ngược với sự nhộn nhịp trở lại của các siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, tình hình kinh doanh tại các cửa hàng thời trang vẫn khá ảm đạm. Ghi nhận tại hàng loạt tuyến đường hội tụ nhiều cửa hàng thời trang lớn của TP. Hồ Chí Minh như Hai Bà Trưng (quận 1), Lê Văn Sỹ (quận 3), Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), Quang Trung (quận gò Vấp), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… hầu hết các cửa hàng đều khá vắng vẻ, chỉ có một vài nhân viên bán hàng.
Chị Trần Thu Dung - nhân viên một shop thời trang nữ trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) - cho hay: Gần 2 tuần nay, shop mở cửa đón khách từ 8 giờ sáng nhưng đến cuối ngày cũng chỉ có vài lượt khách vào xem và mua hàng.
Các cửa hàng thời trang vẫn khá vắng vẻ, chỉ có vài lượt khách ra vào mỗi ngày. |
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại cửa hàng thời trang Gumac trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp). Theo bà Phương Nguyễn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gumac, mặc dù giãn cách xã hội đã được nới lỏng nhưng khách hàng vẫn hạn chế ra ngoài nên các cửa hàng không có khách. “Hiện lượng khách đã giảm tới 60% so với hồi tháng 2. Mặc dù công ty có đẩy mạnh việc bán online trên fanpage cũng như đẩy lên các sàn thương mại điện tử, song cũng không bù đắp được lượng đơn hàng sụt giảm”, bà Phương Nguyễn cho biết.
Đồng loạt xả hàng, đổi hướng kinh doanh
Để thu hút khách hàng, hàng loạt cửa hàng đang thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn lên tới 50%, thậm chí có cửa hàng giảm giá tới 70%, số khác thì thực hiện chương trình mua 1 tặng 1….
Chẳng hạn trên website cũng như các hệ thống cửa hàng thời trang Gumac đang áp dụng khuyến mãi “giờ vàng mua sắm” giảm tới 50% cho các sản phẩm giày dép, giảm 60% cho sản phẩm thời trang, đồng thời thực hiện chương trình đồng giá 198.000 đồng cho một số sản phẩm… Theo bà Phương Nguyễn, dịch bệnh khiến người dân cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Do đó, việc áp dụng những chương trình khuyến mãi lớn sẽ phần nào thu hút khách hàng trở lại.
Cũng theo bà Phương, ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, giảm sản lượng sản xuất, cải thiện mẫu mã, đa dạng các dòng sản phẩm hơn. “Trước đây, Gumac chủ yếu tập trung vào dòng thời trang công sở nhưng sắp tới sẽ bổ sung thêm các dòng sản phẩm mới trẻ trung hơn và ra mắt dòng sản phẩm mới thân thiện với môi trường”, bà Phương chia sẻ.
Hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn được đưa ra nhằm thu hút khách hàng |
Đại diện Công ty TNHH thời trang Ban Mai cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra, tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều đơn hàng tại siêu thị, các cửa hàng bị hoãn lại, khiến lượng hàng tồn kho tăng lên. Để giảm bớt lượng hàng tồn này, công ty phải đưa ra nhiều chương trình, giảm giá bán, thậm chí chấp nhận lỗ vốn để xả hết hàng tồn.
Hay với IVY moda, đơn vị này cũng đang kết hợp giữa bán hàng online và offline với nhiều sản phẩm giảm giá lên tới 70%. Theo đại diện thương hiệu này, đặc thù của ngành thời trang là khách hàng muốn được trải nghiệm thực tế sản phẩm trước khi mua, do đó để tăng trải nghiệm cho khách hàng khi bán online, công ty đã làm các clip livestream trải nghiệm thực tế về sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất và việc vận chuyển hàng cũng được giảm xuống còn 3 ngày thay vì 10 ngày như trước đây để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Tương tự, các cửa hàng thời trang Maybi của Công ty cổ phần thời trang Valanno, bên cạnh việc giảm giá sản phẩm, công ty cũng đẩy mạnh nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, chất liệu sản phẩm và tái cơ cấu lại hệ thống bán hàng online.
Trước việc kinh doanh khó khăn, đại diện nhiều cửa hàng thời trang mong muốn được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 5% thay vì 10% như trước để sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ có mức giá thấp hơn nhằm kích cầu tiêu dùng. |