Thứ năm 28/11/2024 11:54

Kiến nghị kiểm toán góp phần đảm bảo minh bạch trong quản lý vốn đầu tư công

Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công ngày càng được khẳng định qua hoạt động kiểm toán.

Khắc phục hạn chế trong lập dự toán, triển khai kế hoạch

Đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh một số động lực quan trọng khác bị thuyên giảm hoặc tăng thấp. Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện với tổng mức vốn gần 2 triệu tỷ đồng, nhưng đã góp phần huy động vốn đầu tư xã hội đạt 9,2 triệu tỷ đồng. Hay, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, với số vốn đầu tư công năm 2023 được Quốc hội thông qua là 711.684 tỷ đồng, đến hết năm giải ngân được 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có thể thấy, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 đã có bước tiến đáng kể nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo bàn đạp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024. Bộ Tài chính nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm nay ước đạt 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này khẳng định tính chất “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa của đồng vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu quả đầu tư chưa cao, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, giải ngân vốn chưa đạt như kỳ vọng… “Để khắc phục hạn chế này, Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng, là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công”, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Để nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, vai trò của Kiểm toán nhà nước trong quản lý chi đầu tư công lầ hết sức cần thiết. Vai trò đó thể hiện từ khâu lập kế hoạch, triển khai kế hoạch và quyết toán ngân sách nhà nước (trong đó có vốn đầu tư) hằng năm.

Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 đã có bước tiến đáng kể nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Theo các quy định pháp luật hiện hành, Kiểm toán nhà nước đóng vai trò tư vấn, phản biện cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong quá trình lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển về các nội dung như: Cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư, xác định thứ tự, đối tượng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện kiểm toán các dự án, Kiểm toán nhà nước phát hiện những điểm sai, thiếu sót trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, qua đó tạo điều kiện giúp các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án kịp thời chấn chỉnh, tránh được các sai sót giúp tiến độ của dự án được đẩy nhanh, góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung Luật, Nghị định không phù hợp.

Ngoài ra, thông qua các cuộc kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp thông tin khách quan, trung thực phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; là căn cứ để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi biểu quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp ngân sách nhà nước, giảm thanh toán và xử lý khác, đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều sơ hở, bất hợp lý về cơ chế chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý điều hành ngân sách, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án… để kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế.

Kết quả kiểm toán và những kiến nghị gỡ khó cho bộ, ngành, địa phương

Được biết, từ năm 2017 - 2022, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về đầu tư công. Các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, như: kiểm toán các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, kiểm toán việc lập, sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kiểm toán Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hoà Bình…

Từ năm 2017 - 2022, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về đầu tư công

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Cụ thể như: Chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Thứ hai, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán của các đơn vị được kiểm toán hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung thiết kế, điều chỉnh dự toán và tổng mức đầu tư.

Thứ ba, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng “vốn chờ dự án”; Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, bố trí vốn chưa đúng tiêu chi, chưa ưu tiên cho những dự án cấp bách, quan trọng, dự án có khối lượng lớn vẫn còn diễn ra tại môt số bộ, ngành, địa phương.

Thứ tư, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Thứ năm, việc lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ dự án cũng như quy định về trách nhiệm của các bên trong thực hiện hợp đồng vẫn còn những hạn chế, dẫn đến khi phát sinh vấn đề, việc phối hợp, xử lý mất nhiều thời gian.

Từ thực tế kiểm toán các dự án và qua những kiến nghị kiểm toán, công tác quản lý đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nhất là những kiến nghị về công tác triển khai dự án ở cấp cơ sở, sửa đổi một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý đầu tư công hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, công tác quản lý vốn đầu tư công đã ngày càng hoàn thiện hơn, công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể: Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Tổng số dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 dã giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020. Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới. Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nói chung và đầu tư công nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công

Lãnh đạo Bộ kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh, vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công ngày càng được khẳng định qua hoạt động kiểm toán. Và vai trò này càng cần được phát huy hơn nữa trong bối cảnh cả nước đang triển khai rất nhiều dự án lớn, dự án quan trọng, liên vùng, đầu tư công là nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Thuỳ Linh
Bài viết cùng chủ đề: Kiểm toán nhà nước

Tin cùng chuyên mục

Kỳ vọng thị trường M&A được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2025

Đề xuất hỗ trợ các dự án 'nâu' tiếp cận tài chính xanh để chuyển đổi sang dự án 'xanh'

Cổ đông ngân hàng đón tin vui dịp cuối năm

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

NCB tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11.800 tỷ đồng

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

Tổng thuật: Tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Phối hợp đảm bảo an ninh an toàn lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tài chính quốc gia

Thống đốc Ngân hàng giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn mới

Sắp diễn ra tọa đàm 'Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam'

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng trần sau tin bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại

Thúc đẩy tài chính xanh sẽ là "con đường" cho mục tiêu Net Zero

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phương án nào là phù hợp?

Việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân sẽ được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng

LPBank ra mắt giải pháp ưu việt 'Tài khoản sinh lời lộc phát'

Đầu tư bền vững: Bảo vệ tương lai từ những quyết định hôm nay của bạn

Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia: Cần phương án hài hòa để đạt được các mục tiêu

Prudential ứng dụng AI giúp tối ưu hóa quy trình chi trả

Bảo hiểm Agribank nâng mức chi trả Bảo An tín dụng lên 1 tỷ đồng: khách hàng luôn được bảo vệ tốt nhất